VIỆT KIỀU MỸ nói gì trong 72 giờ cuối tại Việt Nam
Chỉ còn 72 giờ nữa thôi là kết thúc chuyến đi kỷ niệm của người con xa xứ sau 30 năm trở về đất mẹ Việtnam. 3 tuần lể trôi qua thật nhanh, mới hôm nào thân xác còn ở xứ người, bao ngày ngóng, bao ngày trông, bao khắc khoải, nhớ thương, đợi chờ dồn nén qua bao tháng năm phiêu bạc chốn quê người, cứ hẹn lần hẹn lựa ngày trở về Viet Nam. Xuân đi rồi xuân đến, đông tàn rồi đông lại sang, cứ nghĩ ngày trở về chỉ còn trông mộng tưởng nhưng bây giờ là mộng thật. Thật thật, ảo ảo, tôi vẫn chưa định hồn lại là mình đang ở quê nhà, ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. |
Tấm lưng trần vẫn còn cọ sát trên tấm bộ ván mát lạnh trước hiên nhà, đêm nằm nghe từng cơn gió rít làm lòng dạ của đứa con xa xứ càng thêm rối bời, da diết. Cảnh vật nơi này và tôi chỉ có 21 ngày thôi mà giờ đây cứ như tri kỷ tự bao giờ. Hàng cây Bần trên sông sau ngỏ nhà tôi đêm nay cũng trở nên hờ hững, tái tê. Cảnh vật, ánh trăng và người sao cô đơn quá, tức cảnh, sinh tình làm tôi nhớ bao kỷ niệm thời niên thiếu xa xưa. Nhớ mổi buổi trưa hè tôi thuờng tắm trên con sông này với các bạn hàng xóm. Nhớ những đêm trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi bắt cóc về nấu cháo đậu xanh. Sau mùa gặt lúa, chúng tôi lại đi săn chuột đồng, đi giăng lưới thả câu để bắt cá lóc, cá rô về nướng và cùng nhau thuởng thức huơng vị cay nồng của ly rượu đế bên bếp lửa cháy bập bùng giữa trời nước mênh mông.
Có lẽ đêm nay là đêm dài nhất ở quê mẹ. Tôi cảm giác nó giống như cái đêm mà tôi chuẩn bị hành lý rời đất Mỹ trở về Vietnam. Chỉ cách đây 3 tuần thôi, tôi nhớ đêm đó, suốt đêm tôi không ngủ được. Tôi đếm từng canh dài trôi qua, canh 1, canh 2 rồi canh 3, lòng bồi hồi xốn xang như 1 đứa trẻ lâu ngày được mẹ hứa dẫn đi chơi. Dẫu biết rằng, giờ đây, tóc đã điểm bạc phơi sương, chân đã mỏi, gối đã chồn, đuôi mắt đã hằn sâu vết chân chim theo thời gian, năm tháng. Vậy mà cứ nhắc đến 2 tiếng Việt Nam thì máu trong người tôi muốn sôi lên, tim tôi đập thình thịch, nó muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Có lúc tôi nghĩ rằng, ngoài công việc mưu sinh để tồn tại của kiếp con người thì còn gì để tôi suy nghĩ vấn vương? Tôi sinh ra có ý nghĩa gì trên cái thế giới bao la rộng lớn này nếu không có quê hương? Thời gian còn lại, chỉ còn cảm xúc đong đầy mang nổi nhớ quê hương. Mà cũng thật lạ, làm người thật khó: Khi ra đi thì muốn đi cho bằng được, khi trở về cũng đòi về cho bằng được.
Nhớ 30 năm trước, người thanh niên ấy, ra đi mang theo bao nhiệt huyết nóng hổi, sôi nổi của tuổi trẻ, cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời con người. Đầu đội trời, chân đạp đất, cảm giác có thể san bằng mọi thứ ở phía trước bằng sức trẻ của mình. 30 năm sống ở nước Mỹ lung linh và mộng ảo, nhưng tôi luôn nhớ đến cái làng quê nghèo ngày xưa, nhớ con đường đất sình lầy sau những cơn mưa, nhớ bà con, nhớ bạn bè và nhớ mối tình đầu đẹp biết bao trong cái tuổi học trò đầy mơ mộng.
Sống ở Mỹ 30 năm nhưng tôi không có nhiều kỷ niệm bằng 10 mấy năm sống ở quê tôi, tại huyện Châu Thành tĩnh Long An. Có lẻ những kỷ niệm vui buồn thời niên thiếu đã hằn sâu trong ký ức tôi không dể gì bôi xóa được. Kiếp tạm bợ xứ người sợ rằng sẽ không có ngày trở về. Vậy mà ngày về chầm chậm, sâu lắng, mang đầy tâm sự của kẻ ly hương. Đất mẹ Vietnam không chối bỏ tôi, dang cánh tay đón tôi vào lòng. Thật ấm áp, hạnh phúc làm sao, bây giờ tôi có cảm giác mình đã ở yên trong vòng tay yêu thương của đất mẹ, tôi cưỡi chiếc xe đạp năm xưa chạy khắp các con đường làng nhà tôi. Tôi muốn hét, muốn la thật to lên rằng: Tôi đã trở về. Mẹ ơi! con đã trỡ về. Nhìn những con người nhỏ bé nước da vàng giống như tôi, tôi cảm giác tất cả đều gần gũi thân thương, tất cả họ là máu là thịt của cơ thể tôi. Hơi ấm từ lòng đất mẹ lan tỏa khắp người tôi, một cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng khó tã.
Một nữa tôi muốn trở về Mỹ để tiếp tục cuộc sống mưu sinh đang ở phía trước thôi thúc vẫy gọi. Nữa còn lại muốn níu kéo thời gian chậm lại không muốn tôi đi.
Ai đã từng xa nhà, xa quê hương xứ sở, ai đã từng không ngủ được, thao thức đếm canh dài mới biết đêm dài như thế nào. Đó là lúc ta có nhiều thời gian, nhiều cơ hội đối diện với chính mình. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng lùi dần nhường chỗ cho bóng đêm tĩnh lặng, ngự trị, đó là lúc con người ta cảm nhận sâu sắc về những điều sâu kín, tiềm ẩn trong tâm hồn, ta có thể tuôn trào những khát khao thầm kín cháy bỏng và ta biết ta đến từ đâu, ta thuộc về nơi nào?
Tôi cầu xin thời gian đêm nay đừng trôi qua nhanh quá, để tôi được đi trên con đường làng quen thuộc, để tôi hít thở thêm chút không khí ấm áp của chốn quê nhà, chút hương thơm của mùi hoa Điên Điển bên sông, và nhìn ngấm lục bình trôi trên con sông xưa chất đầy kỷ niệm.
Tiếng gà gáy trong đêm như xé toạt bầu không khí yên lặng. Trời đã hừng đông báo hiệu cho 1 đêm xắp hết. Tôi cố gắng ngồi dậy đi ra trước ngõ, gom góp thu nhặt hết những tiếng động, âm thanh làm kỷ niệm gói vào tâm trí, đặt nó ở 1 góc riêng đặc biệt. Để 1 ngày nào đó trở về xứ người, tôi sẽ mở nó ra, lật từng trang, tìm về hồi ức để rồi thổn thức, nhớ thương dày vò. Con người sinh ra là vậy, thật tham lam, cái gì cũng muốn có, muốn mang theo hết bên mình. Nhưng trí nhớ bộ não của con người là hữu hạn, còn nỗi nhớ, tình yêu quê hương là vô hạn.
Rồi cũng đến lúc tôi phải ra đi. Hành lý mang theo về xứ người cũng lục cục lỉnh kỉnh như bao nhiêu người VK xa xứ khác. Bạn bè, anh chị nhét vào cho tôi bao nhiêu là thứ. Mặc dù ở Mỹ không thiếu thứ gì, nhưng người dân quê tôi là vậy, giàu tình giàu nghĩa, nghĩa nặng tình sâu.
Hôm nay, con sông sau nhà tôi cũng trở nên hiền hòa, vắng lặng, êm ả. Không còn tiếng trẻ em nô đùa tắm trên sông. Đâu đó, một cơn gió mát lạnh chợt thoảng qua như đưa tiễn tôi đi. Tim tôi ngừng đập. Quê nhà tôi ơi! Đất mẹ của tôi ơi! Tất cả bạn bè của tôi đâu rồi? Tôi không muốn đi, bước chân tôi cảm giác như người say, chân bước đi mà lòng nặng trĩu.
Chị tôi đã đứng trước ngõ tự lúc nào, mới hôm nào chị còn nấu cho tôi ăn các món ăn dân dã miền Tây, bây giờ chị ra tiễn tôi đi. Tôi sợ nhất cảnh chia tay đưa tiễn, những cái vẫy tay, những ánh mắt rướm lệ của cảnh chia ly, sẽ len lõi vào trong giấc ngủ của tôi hằng đêm đến cuối cuộc đời. Còn người ở lại càng khổ hơn vì ngóng đợi, trông chờ, hy vọng. Tiếng cười của chị làm xua tan đi sự ủy mị, yếu đuối của 1 kẻ sắp sửa ra đi.
Xe bắt đầu lăn bánh, tôi ngoái đầu nhìn lại lần cuối, mọi cảnh vật quê nhà, hàng Thanh Long, con sông uốn lượn quanh làng và bóng dáng chị khuất dần tan biến phía sau lưng tôi. Tim tôi co thắt lại quặn đau, tai tôi chỉ còn nghe tiếng gió ù 2 bên đường. Cảm xúc tràn lên lồng ngực, cuống họng tôi nghẹn đắng. Có phải tôi đang chạy trốn không?
Phải! Tôi biết chắc rằng, trong phút giây mềm yếu này, không cần bất cứ lý do hay lời giải thích nào, chỉ cần xe dừng lại là tôi có thể nhảy xuống và chạy về nhà ngay. Không ai có thể hiểu rõ cảm giác của những kẻ xa xứ như tôi, chỉ cần cất bước ra đi ngàn dặm xa xôi mịt mù, đại dương bao la, nghìn trùng xa cách là khó có thể quay về. Không phải nói về là có thể về ngay, vòng xoáy cuộc sống luân hồi buộc ta phải chạy như bánh xe chuyển động tròn đều, chỉ cần ta đứng lại là mọi thứ sẽ kết thúc.
Chỉ mới đây thôi, chúng tôi cùng ngồi với nhau, ôn lại kỷ niệm ngày xưa, cùng hát karaoke, cùng tâm sự hàn huyên chuyện đông chuyện tây, rồi chúc nhau thượng lộ bình an, chén cạn chén đầy. Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc đến vậy, có lẽ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, chính là sợi dây rung cảm kết nối tất cả chúng tôi lại với nhau như ruột thịt.
Sống ở Mỹ hơn 30 năm, tôi chỉ biết làm việc và làm việc, muốn vui hơn nữa thì cũng tự thưởng cho chính mình bằng những nụ cười như những giọt nước mắt khô không lệ, chảy ngược vào trong. Năm 2019, tôi thật sự cảm xúc trong chuyến về Việt Nam sau 30 năm xa xứ của Việt Kiều mỹ.
Phiên chợ tấp nập gần nhà tôi bây giờ rộng lớn, nhộn nhịp, đông đúc khác hẳn cái chợ bé nhỏ vắng vẻ mà ngày xưa tôi thường ghé để mua củ khoai mì, khoai lang, trái bắp để ăn khi đi học. Tôi cũng không còn nghe tiếng rao khàn đặc của các mẹ, các chị, của gánh hàng rong rủi hai bên đường. Có lẽ cuộc sống bây giờ đã thay đổi rất nhiều, mà đã hơn 30 năm rồi còn gì? Bạn bè tôi giờ đã 2 thứ tóc rồi huống chi cái làng quê của tôi.
Những con đường lớn bắt đầu hiện ra trước mắt tôi, mọi thứ thật đẹp thật hoàn hảo . Cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng sung sướng pha chút hãnh diện, tôi tự mĩm cười với cuộc sống này, những con người Vietnam thật phi thường, quả cảm. Trong giây phút này, tôi muốn nói rằng, tôi cảm ơn tất cả các bạn và tôi yêu dân tộc tôi. Mặc cho lòng đang dậy sóng, tôi như 1 kẻ mộng du, vô tri vô giác lạc lõng chơi vơi giữa dòng xe và dòng đời tấp nập, cảm xúc cứ lớn dần xâm chiếm trái tim tôi. Tôi mặc kệ cứ để cảm xúc đưa lối dẫn đường.
Mưa! Cơn mưa Sai Gon bất chợt ập đến, tôi mặc kệ, dù cho cơn mưa có nặng hạt đến mấy đi chăng nữa cũng không xua tan đi giọt nước mắt vấn vương trên khóe mi nghẹn ngào của kẻ ra đi. Mưa Sai Gon chợt đến rồi chợt vội đi, mít ướt, õng ẹo như con gái tuổi đôi mươi. Nhưng dường như nỗi đau của con người thì quá lớn mà bàn tay nhỏ bé của tôi cũng không thể ôm trọn những cơn mưa. Tôi muốn tắm mình trong mưa để che giấu nỗi đau, để không ai có thể nhận ra những giọt nước mắt trên gương mặt của kẻ xắp phải rời xa đất mẹ thân yêu.
Sàigon ơi, không lẻ bạn muốn giữ tôi lại chăng hay bạn tiễn đưa tôi bằng những giọt nước mắt?
Đã lâu lắm rồi, hơn 30 năm sống trên đất Mỹ, tôi đã học cách sống mạnh mẽ, giấu nỗi đau vào sâu thẳm trong trái tim. Nước Mỹ đã dạy tôi nhiều thứ, nước Mỹ không đánh tôi bằng roi, nhưng tôi vẫn rất đau. Nỗi đau ấy chẳng thể làm tôi bật khóc, nhưng nó ngấm dần dần từ ngày này qua ngày nọ, từng xuân đi rồi xuân lại đến, từng đông tàn rồi đông lại sang, cứ mơ ngày trở về quê huơng Việt Nam để được tắm mình trên dòng sông xưa, được hít thở không khí ấm áp của chốn quê nhà. Nỗi đau như 1 chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày, bây giờ là lúc nó bật tung dậy làm tan vỡ trái tim tôi và tôi biết : Tôi thuộc về nơi này, thuộc về đất nước của tôi.
Để tránh mưa, tôi ghé vội bên đường thưởng thức hương vị cafe. Ngồi đợi từng giọt cafe chảy xuống, cùng ngắm mưa Sai Gon, nhìn những dòng người hối hả bị ướt mưa, ta cảm thấy lòng bỗng chốc êm ái, nhẹ tênh, lắng động, bao nhiêu bụi trần được những cơn mưa rữa sạch. Sai Gon hoa lệ cũng có vị đắng như cafe đen. Khi màn đêm buông xuống, Sai Gon được khoác lên bộ áo choàng xanh xanh, đỏ đỏ, lấp lánh như những viên kim cương, làm mê hoặc những dòng xe lạc lối về. Càng về đêm, những ánh đèn vàng mờ ảo, những tiếng nhạc trên đường phố, tạo nên 1 âm hưởng buồn tênh, phiêu phiêu, u uẩn. Tất cả như một thứ ma túy, làm tê liệt thần kinh về ý thức hiện tại.
Khi còn ở Vietnam, thời niên thiếu của tôi trải qua những tháng ngày nghèo khó, cùng cực, chạy cơm từng bữa, tuổi thơ của tôi lớn lên bên vài công ruộng đế trồng lúa, và bên gánh hàng rong với đôi vai gầy guột của mẹ. Mổi lần đạp xe đi học trên đường, nhìn những chiếc xe ngựa lốc cốc trên đường làng, tôi mơ ước mình được đi xa hơn nữa, ra khỏi cái thị trấn Tầm Vu nhỏ bé này. Tôi mơ mình được đi du lịch khắp nơi, đó chỉ là giấc mơ của 1 đứa trẻ mới lớn trong tôi. Còn bây giờ, trở về với hiện tại, tôi có đủ điều kiện sức khỏe, thời gian và tiền bạc để đi tham quan các danh lam thắng cảnh đẹp trong cả nước, để tôi biết đất nước tôi đẹp biết nhường nào.
Trước khi về Vietnam, tôi đã lên lịch cho chuyến bay 21 ngày phép. Vậy mà đặt chân về đến mái nhà xưa chốn quê nghèo, tôi thấy lòng mình ấm lại và bình an. Tôi chỉ muốn nằm mãi ở nhà để bao nhiêu ký ức ùa về, để lòng nghẹn ngào bóp chặt trái tim đau. Chỉ khi bước chân lên Saigon 3 ngày cuối cùng chuẩn bị chuyến bay dài qua Mỹ trở lại, tôi mới có thời gian ngắm nhìn đất nước của tôi.
Bạn bè của tôi mỗi đứa một nơi, nhiều đứa cũng lên Sai Gon để kiếm sống mưu sinh. Cuộc hội ngộ đầy tiếng cười, tình bằng hữu của những người bạn miền Tây chân chất, thật thà. Mai này tôi phải đi rồi, tôi sẽ xa bạn bè, người thân, xa cả những con người tôi không hề quen biết. Xa những con đường với cái tên thân quen rất đỗi Vietnam, những dáng người nhỏ bé hối hả tấp nập, rong rủi trên đường. Vietnam của tôi còn nghèo khó, lam lũ lắm, tôi yêu tất cả những gì mang hình bóng dân tộc tôi.
Chỉ còn ít thời gian ngắn ngũi nữa thôi, tôi sẻ phải đi rồi, phút giây lưu luyến tôi đếm ngược từng giờ. Tôi muốn mang theo tất cả, tôi muốn ôm trọn tất cả những gì hiện hữu trước mắt tôi.
Cuộc sống buộc ta phải bước tiếp, nhưng lòng quặn lòng chẳng muốn rời xa. Sài Gòn hoa lệ, náo nhiệt, một thành phố chưa bao giờ biết ngủ. Đêm nay tôi thao thức cùng Sai Gon, nỗi buồn dâng lên khóe mắt tràn cả mi.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng sẽ chia ly, SG đưa tiễn tôi bằng cơn mưa như khóc hộ lòng tôi cảnh ly biệt. Sai Gon sáng nắng chiều mưa, mưa chợt đến rồi chợt đi để lại những con đường ngập nước, để lại bao kỷ niệm thân thương, vui buồn khiến tim tôi rung động.
Nhưng đến lúc tôi phải ra đi, xin tạm biệt thành phố Sai Gòn, tạm biệt các bạn của tôi, tạm biệt góc phố, hàng cây, con đường thân thương, những con người mang tên hai tiếng Viet nam.
Chiếc xe đưa tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất, bây giờ tôi phải đi, từng dòng xe lùi dần phía sau lưng tôi, tiếng còi xe inh ỏi cũng không phá tan được nỗi trầm tư u buồn trong tâm trí kẻ ra đi. Trước mắt tôi là cảnh đưa tiễn ồn ào tấp nập. Có cảnh ngóng đợi chờ trông, có tiếng cười hạnh phúc xen lẫn giọt nước mắt đẫm lệ. Hợp rồi tan, tan rồi hợp. Lúc ra đi muốn đi cho bằng được, cho bằng với người ta. Khi trở về thì muốn về cho bằng được. Dẫu rằng đôi mắt đã hằn sâu vết chân chim, đầu đã phơi sương điểm bạc vẫn phải ra đi, đi đến khi sức đã tàn, hơi đã cạn, thì quay trở về tìm chốn bình yên, tìm một nơi ấm áp như đứa con nhớ mẹ tìm về.
Cuộc đời là vậy, bao nhiêu là đủ? Trách nhiệm gia đình, con cái đang còn phía trước buộc ta phải lao theo vòng xoáy cuộc đời. Đã hơn 30 năm rồi mới có cuộc hội ngộ, tương phùng, không ai muốn có cảnh chia ly lần nữa. Đứa con bao ngày xa cách chỉ muốn tìm về đất mẹ, để được hơi ấm trong vòng tay của quê hương, để giờ này con hẹn một ngày con sẽ trở về.
Mai này con về, đường về quê hương, đất nước bây giờ không còn xa nữa khi trái tim con đã thuộc về nơi này. Chỉ có nơi này làm con ấm lòng mỗi khi nhắc đến, chỉ có nơi này con thấy mình được bình an.
Khi máy bay cất cánh, tôi cảm giác như mình đang mất thứ gì đó quí giá, không thể cân đo đong đếm được, tai tôi ù lên, mắt tôi nhắm nghiền lại và tôi biết tôi cách biệt quê hương từ đây.
Xin tạm biệt Long An, tạm biêt Saigon yêu dấu, tạm biệt đất mẹ Việt Nam, tạm biệt tất cả, tình yêu của tôi, hẹn ngày trở về.
Ta đã xa bao nhiêu ngày chưa đủ,
Bao ngày dài, vần vũ nhớ quê hương.
Nơi quê nghèo, bao nỗi nhớ niềm thương,
Của bao người canh trường mong ta đó.
( Bình Minh)
Tony Tran, tác giả của nhiều bài viết về quê huơng và là chủ trang web và app ứng dụng hẹn hò kết bạn tiến đến hôn nhân. Tony cũng làm clip bài này trên kênh Youtube "Tony Tran USA". |
- 19 Tháng5, 2021
- 1744 lượt xem
Bài văn tự sự quá xuất sắc anh Tony Tran.