Tag Archive | Cưới Vợ Giàu

Đàn Ông Lấy Vợ Giàu Sướng Hay Khổ

Có vợ giàu là sướng. Có vợ giàu cũng… khổ. Đối với những người đàn ông có vợ giàu, khái niệm “sướng” hay “khổ” cách nhau chỉ gang tấc.

Vì thế mà có người lấy sự giàu sang của vợ làm niềm hãnh diện, nhưng cũng không ít người lại coi đó là sự hổ thẹn.

Lấy Vợ Giàu Sướng Hay Khổ (ãnh minh họa)

Lấy Vợ Giàu Sướng Hay Khổ (ãnh minh họa)



Thông thường, có hai con đường dẫn tới “sự giàu” của người vợ: Hoặc vì vợ là một phụ nữ giỏi giang, thậm chí là tài năng; hoặc được thừa kế gia tài kếch sù của mẹ cha để lại. Hai con đường này có thể đưa tới một điểm giao cắt với nhiều nét tương đồng, nhưng cũng có thể dẫn tới hai hướng đi ngày càng xa nhau, với những kết cục hoàn toàn trái ngược

***

Những người phụ nữ thông minh, tài năng, có tầm nhìn xa trông rộng, biết tính toán và có khả năng quản trị tốt, họ là những người đáng nể phục.

Nhưng với người chồng trong gia đình, sự giỏi giang và khả năng kiếm tiền “vượt trội” của người vợ không phải lúc nào cũng mang lại những hiệu ứng tích cực. Điều không ít người chồng lo ngại nhất khi thấy vợ cứ “hăng hái phất lên” là không biết “quyền làm chủ” của mình trong gia đình sẽ bị “phế truất” vào lúc nào. Bởi theo quy luật chung của xã hội, người nào nắm ưu thế về kinh tế thì người đó nghiễm nhiên “được” làm chủ.

Vì thế, mặc dù được hưởng lợi không nhỏ từ sự thành công của vợ, mà cụ thể nhất là có tiền để tiêu xài thoải mái, nhưng vẫn có những ông chồng cảm thấy khó chịu, bức bối. Họ cố tình quên hoặc không biết đến một thực tế, là vợ mình đã phải lao tâm khổ tứ để kiếm tiền. Và mục đích cuối cùng là để xây dựng gia đình ngày một vững mạnh.

Phụ nữ vốn bị coi là “phái yếu” nên khi dấn thân vào thương trường, họ có nhiều bất lợi hơn so với nam giới. Để có được thành công, họ không chỉ phải huy động tối đa khả năng trí tuệ và sức lực, mà còn phải vận dụng tới những lợi thế mang đặc thù của giới, ví dụ như khả năng giao tiếp, kết nối, thuyết phục…

Để thành công trong chuyện làm ăn, họ không thể không dành thời gian để gặp gỡ, giao lưu với các đối tác; không thể không sử dụng những “vũ khí” mà tạo hóa đã ban tặng là nhan sắc và giọng nói dịu dàng, dễ thương để “cảm hóa”, thuyết phục và thậm chí là “chinh phục” người khác… Chỉ chừng đó thôi là cũng đủ khiến nhiều ông chồng “lên máu”, cảm thấy cuộc sống không còn bình yên và an toàn nữa.

Chưa hết. Họ phải dành nhiều thời gian để đầu tư cho công việc, nên không thể “toàn tâm toàn ý” phụng sự cho gia đình như những phụ nữ chuyên làm nội trợ. Trong hoàn cảnh này, một số ông chồng chấp nhận (nhưng chẳng vui vẻ gì) thay vợ đảm nhiệm một số việc của gia đình. Cũng có những ông chồng lấy tiền của vợ để thuê người giúp việc, còn bản thân thì cố tìm cách thoát ra khỏi gia đình, rũ bỏ những trách nhiệm lẽ ra phải thuộc về mình. Tâm lý chung của nhiều người chồng là cảm thấy vai trò bị hạ thấp, bị vợ lấn lướt, rơi vào trạng thái yếm thế hoặc… có tư tưởng nổi loạn.

Một số phụ nữ thành đạt từng tâm sự rằng, họ thường phải đối diện với sự cô đơn, trống trải. Điều họ rất cần là sự cảm thông, chia sẻ của người chồng thì thường lại không có được. Thậm chí, nhiều người còn bị chồng hiểu lầm, dẫn tới mâu thuẫn trầm trọng, hạnh phúc gia đình bị đe dọa.

***

Với những người vợ giàu nhờ được thừa kế tài sản của người thân, mọi chuyện có thể còn phức tạp hơn. Nếu người phụ nữ ấy cạn nghĩ, chỉ dựa vào khối tài sản của mình để tạo lợi thế nhằm nắm giữ vị trí “thống lĩnh”, nắm hết mọi quyền định đoạt trong gia đình, thì cuộc sống của người chồng sẽ là địa ngục. Đó là chưa nói tới miệng lưỡi thế gian, khi anh ta luôn mang tiếng là “chuột sa chĩnh gạo”, hay được ai đó gán cho “học vị” là “kỹ sư đào mỏ”, càng khiến tâm lý trở nên bức bối, càng “dị ứng” với “sự giàu” của vợ.

Nhưng cũng có không ít người vợ mặc dù “giàu từ trong trứng” nhưng lại không quá đề cao giá trị vật chất, không dựa vào đó để hạ thấp giá trị người chồng, mà ngược lại, còn động viên, khích lệ chồng cùng mình làm ăn từ nguồn vốn sẵn có ấy để chung tay xây dựng gia đình ngày một vững chãi hơn. Đó mới đúng là những người phụ nữ khôn ngoan!

Làm giàu hay duy trì sự giàu có luôn song hành với không ít rủi ro. Những phụ nữ một khi phải đứng ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, mà phải nhận lấy những thất bại cay đắng, thì họ sẽ trở nên vô cùng mong manh. Những lúc như vậy, họ cần biết bao một bàn tay đàn ông ấm áp nắm chặt để động viên, chia sẻ, để tiếp sức, hay đơn giản chỉ để trấn an. Nhưng thực tế nhiều khi lại phũ phàng hơn. Không ít ông chồng đã “ngoảnh mặt quay lưng”, để mặc người vợ đơn độc đối mặt với bão táp. Đã có khá nhiều “nữ đại gia” khi sa cơ lỡ vận, bị phá sản hay rơi vào vòng lao lý, cũng đồng thời phải đón nhận nỗi đau gia đình tan vỡ. Nỗi đắng cay khi ấy còn nhân lên gấp nhiều lần…

Làm chồng những người phụ nữ giàu có, đối với người này là sướng, đối với người khác lại là khổ. Vậy, tại sao những đức ông chồng ấy không biết coi cái giàu của vợ cũng chính là cái giàu của mình? Tạo sao không cùng góp sức, đồng tâm hợp lực với vợ để chung tay tạo nên sự giàu có? Phải chăng, vì chính họ đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, để rồi sau đó lại ngồi một chỗ để oán thán số phận?

Lấy được vợ giỏi, vợ giàu, thực sự là một điều may mắn. Nhưng không ít người đã đánh mất sự may mắn ấy bởi những sai lầm, từ tư tưởng cho tới hành động. Đáng tiếc lắm thay

(theo Thế giới Phụ nữ)