Việt kiều về Vietnam lấy vợ là một cách cân bằng giới tính
Thái Cẩm Hưng là một trong bảy giáo sư ngành Xã hội học gốc Việt ở Mỹ. Hiện ông vẫn đi về đều đặn giữa Việt Nam và Mỹ để thực hiện công trình nghiên cứu thứ ba: Tiền gửi của Việt kiều có thu nhập thấp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Mời nghe cuộc trò chuyện thân tình của ông.
Thái Cẩm Hưng là một trong bảy giáo sư ngành Xã hội học gốc Việt ở Mỹ. Sinh năm 1976 tại Đồng Tháp, sáu tuổi theo gia đình sang Mỹ, năm 16 tuổi, anh nhận được học bổng toàn phần ngành Xã hội học Đại học Berkeley (California) và đến năm 25 tuổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Việt kiều về nước kết hôn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một nhà xuất bản uy tín của Mỹ đã đề nghị anh viết lại luận án này thành sách và in với số lượng 300 ngàn bản. Công trình nghiên cứu thứ hai về Việt Nam mang tên Gia đình trong thời toàn cầu hóa cũng đã được anh viết lại thành sách và sẽ ra mắt vào tháng 5 tới.
Thái Cẩm Hưng hiện đang là Trưởng khoa Xã hội học kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Á của Trường đại học Pomona (thành phố Claremont, bang California). Để thực hiện những công trình nghiên cứu trên, anh và nhóm cộng sự 12 người đã làm việc rất tích cực trong suốt hơn 10 năm qua. Bản thân anh đã về Việt Nam gần 80 lần, thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn trực tiếp với các cô dâu đang chờ bảo lãnh ở Việt Nam và chú rể ở Mỹ.
Hiện Thái Cẩm Hưng vẫn đi về đều đặn giữa Việt Nam và Mỹ để thực hiện công trình nghiên cứu thứ ba: Tiền gửi của Việt kiều có thu nhập thấp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Trong dịp về nước lần này, anh đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện.
Sang Mỹ khi bắt đầu đi học và năm 16 tuổi đã giành được học bổng tại một trường đại học danh tiếng, chắc anh được gia đình tạo điều kiện tập trung cho việc học hành?
Tôi là con thứ tư trong gia đình có năm anh chị em. Cha tôi và mẹ kế không mấy quan tâm đến việc học hành của các con. Gia đình tôi sống trong khu nhà mà Chính phủ Mỹ dành cho người mới nhập cư, nơi đa số là người da đen. Đây là nơi tôi có những người bạn tốt đầu tiên trong đời: các bạn gái da đen lớn tuổi hơn tôi một chút. Gia đình tôi rất phức tạp. Sự thiếu thốn và thất học dẫn đến cãi vã, bạo lực triền miên.
Do không khí gia đình luôn căng thẳng nhưng riêng tôi lại thích chuyện trò, thích chia sẻ nên có nhiều bạn thân từ rất sớm. Tôi có một người bạn da trắng con nhà khá giả, trí thức trong vùng. Gia đình người bạn này rất cởi mở và yêu mến tôi. Nhờ những lần đến nhà bạn chơi và tham gia vào các dịp lễ, các hoạt động văn hóa của tầng lớp trung lưu trong xã hội Mỹ, tôi nhận ra rằng có một thế giới tươi sáng bên ngoài gia đình. Đó là động lực đầu tiên khuyến khích tôi cố gắng vươn lên. Tôi trở thành đứa trẻ duy nhất trong nhà thích học và đọc sách.
Năm tôi 12 tuổi thì gia đình càng khó khăn hơn. Cha tôi bắt tôi phải làm việc cho ông chú họ ở chợ trời. Mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, tôi đều phải làm việc từ 6 giờ sáng đến tận khuya. Công việc bốc dỡ hàng hóa nặng nhọc, nhàm chán, không còn thời gian vui chơi nên tôi rất ấm ức. Từ lúc đó, tôi hiểu rằng con dường duy nhất để thoát ra khỏi cuộc sống vất vả là phải cố học thật giỏi. Vậy là tôi cố gắng học hết sức mình với khao khát thoát khỏi gia đình càng sớm càng tốt.
Ngạn ngữ có câu “Gỗ tốt không mọc trên đất phì nhiêu”, xem ra điều này có vẻ đúng với trường hợp của anh?
Năm 15 tuổi, tôi rời khỏi gia đình khi tự sống được bằng ba công việc làm thêm một lúc, đó là trực điện thoại ở một tiệm bán thuốc, phụ việc tại một văn phòng quy hoạch và bán vàng tại một tiệm vàng dành cho người da đen. Công việc càng vất vả thì tôi càng cố học để sớm chấm dứt sự vất vả đó. Do hoàn cảnh thúc ép, tôi rất biết cách quản lý thời gian và có khả năng tập trung cao độ. Kết quả học tập của tôi tại trường luôn tốt và nhờ đó mà tôi luôn lạc quan về tương lai của mình. Năm 16 tuổi tôi đoạt giải nhì môn Toán, giải nhất môn hùng biện toàn bang Mississipi và giành được học bổng toàn phần tại Đại học Berkeley. Khi đó, tôi khá đắn đo, không biết nên theo ngành toán hay ngành học về xã hội. Sau khi cân nhắc, tôi nhận ra đam mê lớn nhất của mình là nghiên cứu về số phận con người, về xã hội nên quyết định chọn xã hội học.
Tôi không ngại kể về tuổi thơ và hoàn cảnh xuất thân của mình. Tôi không cảm thấy mắc cỡ, tự hào hay cay đắng, mà coi đó là một trong những điều kiện tạo nên tính cách con người tôi như ngày hôm nay. Tôi nghĩ gia đình là nền tảng quan trọng, nhưng nếu không có được nền tảng đó, người ta vẫn có thể tìm được sự bù đắp ở bên ngoài. Trong tất cả các giai đoạn của đời mình, tôi luôn được những người bạn tốt khuyến khích và động viên. Qua họ, tôi tin rằng cuộc sống công bằng, những nỗ lực tự thân sớm muộn rồi sẽ mang lại kết quả. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ở Mỹ cũng rất tốt, nhiều người thầy hướng dẫn tận tâm và giỏi nghề đã giúp tôi phát huy được hết năng lực của mình.
Được biết năm 19 tuổi anh đã xách balô một mình đi du lịch vòng quanh thế giới. Dường như chuỗi ngày vất vả của anh đã sớm kết thúc và khát khao về một cuộc sống tươi sáng cũng sớm thành hiện thực?
Học bổng của Trường Berkeley đủ để tôi chuyên tâm học mà không cần phải làm thêm. Năm 1996, tôi tốt nghiệp đại học và quyết định đi du lịch qua 52 nước ở năm châu lục và cả Bắc cực bằng tám ngàn USD dành dụm từ học bổng. Chuyến đi kéo dài gần tám tháng với sự tiết kiệm tối đa. Tại một số nước châu Phi như Mozambique, một ngày tôi chỉ tiêu có hai USD cho việc ăn ở. Sau chuyến đi này tôi rút ra được hai điều. Thứ nhất là có rất nhiều người vẫn sống hạnh phúc với mức vật chất tối thiểu, bằng chứng là tại châu Phi, tôi đã gặp những người chỉ được ăn một bữa mỗi ngày nhưng vẫn vui vẻ, hồn nhiên. Thứ hai, Mỹ không phải là trung tâm của thế giới vì còn có nhiều nơi khác tiến bộ hơn, có những hoạt động đậm đà màu sắc hơn.
Việt Nam là điểm cuối cùng tôi đến trong chuyến đi đó. Trong mười ngày về nước, tôi đã đi từ Sapa đến Cà Mau bằng xe buýt và rất ấn tượng trước vẻ đẹp thiên nhiên dọc đường. Cũng trong dịp về nước lần ấy, tôi được gặp lại người mẹ đã mất liên lạc từ năm bốn tuổi. Chuyến đi này còn quyết định con đường nghiên cứu của tôi về sau sẽ gắn liền với Việt Nam. Trước đó, tôi đã lấy được học bổng cao học và tiến sĩ của Đại học Berkeley và đề tài nghiên cứu về phụ nữ châu Phi cũng đã được duyệt. Khi đổi hướng nghiên cứu, tôi phải mất nhiều thời gian thuyết phục các giáo sư trong khoa vì tôi được nhắm đào tạo thành chuyên gia Xã hội học về châu Phi. Thế nhưng, sau khi nghe tôi trình bày cặn kẽ về ý tưởng đề tài ở Việt Nam, mọi người đều vui vẻ tán thành.
Chỉ sau mười ngày về nước mà anh đã quyết định thay đổi cả đề tài luận án tiến sĩ. Vậy anh chọn đề tài nghiên cứu về Việt Nam hoàn toàn là do động cơ làm khoa học hay có cả động cơ cá nhân?
Trong những ngày ở TP. Hồ Chí Minh, có lần, khi ngồi trong quán cà phê, tôi gặp một nhóm người trẻ tuổi đến làm quen. Họ hỏi tôi về Việt Nam để cưới vợ hay để tìm kiếm “one night relationship” (tình một đêm). Tôi rất ngạc nhiên vì trước đó chưa hề có ý niệm gì về xu hướng Việt kiều về nước lấy vợ hay hẹn hò. Máu nghề nghiệp trỗi dậy, tôi hỏi họ nhiều điều xung quanh chủ đề này và nhận ra đây là một hiện tượng xã hội đáng để nghiên cứu. Ngoài ra, tôi cũng có một chút động cơ cá nhân là muốn được về nước thường xuyên hơn để thăm mẹ và tìm hiểu thêm về Việt Nam. Thật sự tôi rất thích cuộc sống ở đây.
Khi đó dường như anh mới hơn 20 tuổi, tiếng Việt chưa thật trôi chảy, các mối quan hệ ở Việt Nam cũng chưa nhiều, vậy công việc nghiên cứu của anh diễn ra như thế nào?
Đề tài Việt kiều thu nhập thấp về nước lấy vợ nhanh chóng tìm được quỹ tài trợ. Tôi có một nhóm cộng sự 12 người, năm người ở Mỹ, bảy người ở Việt Nam giúp tôi thu thập thông tin, phân tích dữ liệu. Địa bàn nghiên cứu của tôi là ở Đồng bằng sông Cửu Long, đối tượng nghiên cứu là các cô dâu đang ở Việt Nam chờ bảo lãnh và chú rể đang ở Mỹ. Với sự giúp đỡ của Cục Di dân Mỹ, tôi có danh sách của hơn một trăm cặp vợ chồng đang làm thủ tục nhập cư. Việc phỏng vấn những người phụ nữ đó diễn ra khá dễ dàng. Tôi không phải gọi điện hay gửi thư trước, mà đến thẳng nhà họ, tự giới thiệu và đề nghị phỏng vấn. Hầu hết các cô dâu đều niềm nở tiếp chuyện. Ngược lại, họ cũng hỏi tôi rất nhiều về cuộc sống ở Mỹ, đời sống vợ chồng kiểu phương Tây… và nhiệt tình cung cấp cho tôi số điện thoại, địa chỉ của chồng họ ở Mỹ để tôi thực hiện phỏng vấn khi trở về Mỹ. Càng làm công việc này tôi lại càng thấy mê. Với tôi, mỗi cuộc đời đều có những câu chuyện đáng lắng nghe, dù đó là những cuộc đời rất bình thường hay nhân vật chính thuộc tầng lớp ít được chú ý trong xã hội.
Trái với câu “vạn sự khởi đầu nan”, việc nghiên cứu của anh lại có khởi đầu khá suôn sẻ?
Phần khó khăn nhất trong quá trình thu thập dữ liệu là khâu phỏng vấn các chú rể Việt kiều. Dù rằng tất cả những người này đã được vợ ở Việt Nam gọi điện giới thiệu trước về tôi nhưng cuối cùng, tôi chỉ phỏng vấn được 40% số chú rể trong danh sách mà thôi. Lý do là hầu hết những nam Việt kiều thu nhập thấp ít nhiều đều mặc cảm về vị trí xã hội của họ trên đất Mỹ nên rất ngại nói về bản thân. Với những người đồng ý trả lời phỏng vấn thì đa số đều rất đề phòng và tỏ ra không muốn chia sẻ với tôi – người làm công việc nghiên cứu mà họ cho rằng có cuộc sống quá khác biệt so với họ. Tôi thường phải kể về xuất thân của mình để tạo được sự đồng cảm, nhưng cũng có trường hợp không thành công. Một người sau khi nghe tôi tự giới thiệu về nghề nghiệp liền hỏi năm rồi tôi về Việt Nam bao nhiêu lần.
Tôi biết những Việt kiều này thường phải rất chắt bóp để mỗi năm có thể về nước được một lần nên đắn đo không biết nên trả lời thật là tôi đã về Việt Nam ba lần hay nói dối là ít hơn. Cuối cùng đứng ở góc độ một nhà khoa học, tôi quyết định mình phải trung thực để anh ta biết tôi nghiêm túc với công việc khảo sát như thế nào. Nghe xong, anh ta liền nổi nóng và lớn tiếng rằng tôi và anh ta chẳng có gì chung, chẳng có gì để nói, rồi mời tôi rời khỏi nhà ngay, không để cho tôi giải thích tiếng nào!
Dường như các cô dâu đều ít nhiều háo hức về chân trời mới trong khi đa số chú rể mà anh phỏng vấn lại không mấy tự tin về vị trí xã hội của họ ở Mỹ. Theo những gì anh quan sát được thì các cuộc hôn nhân xuyên lục địa này có mang lại hạnh phúc cho hai bên không?
Đầu tiên, xu hướng kết hôn này khắc phục được tình trạng mất cân bằng giới tính trong cả hai nhóm xã hội. Tại Việt Nam, chiến tranh và vượt biên đã làm mất đi một số lượng nam thanh niên đáng kể nên trong thập niên 1990, cứ 100 phụ nữ ở độ tuổi kết hôn thì chỉ có 92 nam giới. Trong khi đó tại cộng đồng người Việt ở Mỹ, nam giới lại chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với nữ giới, vì vậy mà những người có thu nhập thấp có ít cơ hội tìm được bạn đời. Còn việc những cuộc hôn nhân này hạnh phúc đến mức nào là tùy thuộc vào kỳ vọng của cả hai người phối ngẫu. Một hiện tượng khá phổ biến là các cô dâu có học thức thường kỳ vọng rằng đàn ông Việt kiều sau một thời gian dài sống ở Mỹ sẽ có cách nhìn nhận về gia đình và địa vị của người phụ nữ thoáng hơn đàn ông Việt Nam.
Trong khi đó, những Việt kiều lao động với thu nhập thấp thường có phạm vi giao tiếp và học hỏi khá hẹp. Suy nghĩ của họ thường không khác lớp cha anh cách đây vài thập niên. Khi tìm vợ trong nước, họ thường nhắm đến các đối tượng có nền tảng gia đình tốt, có học thức và vẫn mong đợi một phụ nữ truyền thống mà không biết rằng cách suy nghĩ của tầng lớp phụ nữ có học hiện nay ở Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Tất nhiên, đa số khi gặp nhau đều có tình cảm với nhau thì mới dẫn đến hôn nhân. Tuy nhiên, những đôi vợ chồng này sẽ gặp nhiều thử thách vì có những khác biệt trong kỳ vọng của từng người. Cho đến nay, tôi vẫn giữ liên lạc với 30% số cặp mà tôi đã phỏng vấn, trong số đó cũng có một số đã thích ứng được với nhau và sống hạnh phúc, một số cặp đã hoặc đang chuẩn bị ly hôn.
Đứng ở góc độ cá nhân, tôi rất thông cảm với những người đàn ông xa quê. Hầu hết những Việt kiều thu nhập thấp đều có cuộc sống cô đơn, buồn tẻ nên sau khi cưới vợ, họ dành rất nhiều tình cảm cho người phụ nữ của mình. Thế nhưng không phải tình yêu nào cũng được đền đáp. Một Việt kiều kể lại với tôi rằng trong thời gian làm thủ tục đưa vợ sang Mỹ, ngày ngày anh đều trang trí, chăm chút cho căn hộ nhỏ của mình và luôn mong đợi giây phút đoàn tụ. Ngày anh ra sân bay đón vợ, trái với sự vui mừng của anh, cô vợ tỏ vẻ khá hờ hững rồi trong lúc anh đi vệ sinh, một người đàn ông khác đã đến đưa cô đi mất!
Được biết luận văn tiến sĩ của anh đã được chính anh viết lại thành sách với tựa đề For Better or for Worse và in với số lượng 300 ngàn cuốn vào năm 2007. Anh có thể cho biết ai là độc giả của cuốn sách ấy?
Ngay từ khi bắt đầu làm luận văn, tôi đã cố gắng viết như viết một cuốn sách, sao cho vừa đảm bảo tính khoa học, vừa thực tế, sống động. Rutgers là một nhà xuất bản uy tín và có cách làm marketing rất hiệu quả. Tôi đã được nhà xuất bản này tổ chức chuyến diễn thuyết tới 26 nước tại hơn 100 thành phố để giới thiệu về cuốn sách. Hiện nay For Better or for Worse là một trong những tác phẩm phổ biến dành cho những ai muốn tìm hiểu về xã hội Việt Nam đương đại. Global Families: A Critical Assessment of the Field là cuốn sách thứ hai của tôi về đề tài các gia đình trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, sẽ được xuất bản vào tháng 5 tới với số lượng 250 ngàn cuốn in dần trong ba năm.
Anh có nghĩ là mình có thể làm giàu nhờ viết sách không?
Ở Mỹ, một giáo sư đại học dành 75% thời gian cho việc nghiên cứu và viết sách. Tuy nhiên, một giáo sư uyên bác lắm thì cả đời cũng chỉ viết được năm cuốn sách là cùng. Mỗi đầu sách về nghiên cứu khoa học muốn được xuất bản trước hết phải được duyệt bởi một hội đồng chuyên môn với các điều kiện rất khắt khe. Thế nên một cuốn sách nghiên cứu phải mất cần ít nhất năm năm để thực hiện đủ các khâu thu thập, phỏng vấn, tổng hợp, phân tích dữ liệu…
Trong nghiên cứu anh chú trọng đến khâu thu thập thông tin là thế, vậy trong vai trò một người thầy, anh chú trọng nhất đến điều gì khi hướng dẫn cho sinh viên của mình?
Tôi chọn nghề giảng dạy một phần cũng vì muốn trả ơn cuộc sống đã cho tôi gặp nhiều người thầy giỏi và hết lòng với sinh viên. Trong vai trò người thầy, tôi cố gắng hướng dẫn sinh viên cách dùng lăng kính và kỹ năng của người làm Xã hội học để quan sát sự khác biệt, sự bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội trên thế giới. Vì nhiều sinh viên vẫn nghĩ rằng ngành Xã hội học thường dựa trên cảm tính nên tôi luôn làm việc hết mình để chứng minh cho sinh viên thấy được tầm quan trọng của dữ liệu thu thập được dựa trên quan sát và kinh nghiệm thực tế.
Trước khi chuyển về Pomona, tôi đã có bốn năm dạy tại UC Santa Barbara, một trường đại học chuyên về nghiên cứu rất có uy tín. Khi tôi ra đi, các đồng nghiệp và bạn bè đều cho rằng đó không phải là quyết định đúng. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của riêng tôi, hầu hết sinh viên tại Pomona đều là con của những gia đình khá giả, thuộc tầng lớp trên trong xã hội Mỹ.
Tôi cho rằng đây mới là những đối tượng cần nghiên cứu nghiêm túc nhất về sự khác biệt và bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội. Cách đa số các sinh viên này tìm hiểu thế giới sẽ rất khác với cách sinh viên Trường UC Santa Barbara, cụ thể là sẽ vất vả hơn, gặp nhiều thử thách hơn vì họ chưa được trải nghiệm nhiều từ thực tế cuộc sống như những sinh viên xuất thân từ tầng lớp có thu nhập thấp hơn.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần