Tag Archive | đăng ký kết hôn

Lý do nhiều chàng Việt kiều già thích về Việt Nam cặp bồ?

WESTMINSTER (NV) – “Ở đây, người ta nhìn một ông già 70 như tôi, không có xe, không có nhà chẳng khác nào như một thằng cơ hàn.

chàng Việt kiều già

chàng Việt kiều già

Trong khi mỗi lần về Việt Nam , tôi thấy mình như ông vua, có thể hét ra lửa được, vì con gái Việt Nam rẻ như bèo, mình có tiền muốn làm gì mà chẳng được.”

Ðó là lý do mà ông Hai Lý cứ chắt mót số lương hưu, khi thấy “vừa đủ” là bay ngay về Việt Nam để được làm người “hét ra lửa.”

Lý do của ông Hai Lý chỉ là một trong số những lý do mà nhiều người đàn ông lớn tuổi, như ông Nghĩa Nguyễn, ông Nguyên Phạm, đưa ra để giải thích cho câu hỏi, “Tại sao nhiều ông thích về Việt Nam cặp bồ?”

Từ cảm giác ‘không có chỗ đứng ở Mỹ’…

Thấy mình “không có chỗ đứng ở Mỹ” là cảm giác của ông Nghĩa Nguyễn, người sắp mừng thọ 75 tuổi và là cư dân thành phố Orange.

Không xuất thân là một tướng tá lên xe xuống ngựa có người săn đón, nhưng hình ảnh của người chồng, người cha trụ cột trong nhà, một viên chức hành chánh của một quận trước 1975, đã khiến ông Nghĩa Nguyễn trở nên có uy quyền đối với vợ con, một lời ông nói ra là “cả nhà ai cũng sợ.”

Như một kiểu gia đình nề nếp, gia giáo, nên dù có lúc “giận nhau bầm gan tím ruột” vợ ông cũng không bao giờ bộc lộ ra ngoài cho con cái hay người ngoài biết để mà còn “giữ thể diện gia đình.”

Năm 1995, lúc ông Nghĩa về hưu cũng là lúc vợ chồng ông sang Mỹ theo diện con cái bảo lãnh. Với ông, cuộc sống ở Mỹ khi đó “giống như địa ngục.”

Bởi, ông “không biết lái xe, không biết tiếng Anh, xin đi làm thì không ai nhận.” Những đứa con đi vượt biên ngày nào giờ đã hấp thụ văn hóa Mỹ, không còn răm rắp nghe lời ông như ngày xưa. Mấy đứa cháu nội, ngoại thì chỉ toàn nói tiếng Mỹ, và dĩ nhiên chúng cũng không muốn nghe lời ông. Vợ ông cũng vậy. Bà dường như không còn thói nín nhịn như ngày xưa. Bà sẵn sàng “đốp chát” lại với ông ngay khi có thể.

Ngột ngạt và tù túng, ông Nghĩa “chỉ muốn quay trở lại ngay Việt Nam,” nhưng các con ông không cho, vì “tụi nó nói dù gì thì đời sống ở Mỹ cũng tốt hơn vạn lần ở Việt Nam.”

Thế là việc trở về Việt Nam trở thành niềm “khao khát” đối với người đàn ông có tuổi đang sống ở thành phố Orange này. Khi dành dụm đủ tiền con cái cho, ông Nghĩa mua ngay vé máy bay về Sài Gòn.

“Về đó lúc đầu thì cũng là đi tìm gặp những ông bạn già ngày trước để hàn huyên, để nhậu nhẹt cho vui thôi,” ông Nghĩa nói lý do về nước của mình. Theo ông, dù từng nghĩ “sống ở Mỹ như địa ngục,” nhưng khi về nhìn lại những người bạn cùng lứa ngày trước, ông Nghĩa lại thấy mình “ngon lành hơn.”

Tương tự như vậy là trường hợp của ông Hai Lý, một cư dân ở Midway City, người cũng đã bước qua tuổi 70, “cổ lai hy.”

Theo lời ông Hai Lý, ông sang Mỹ từ năm 1975, “Việt cộng tấn công vô là tôi đi ngay.” Sau thời gian đi làm “assembly” ở hãng, hiện tại ông Hai đã về hưu, “ly dị lâu rồi,” và “mấy đứa con cũng đều có gia đình ở riêng.”

Ông Hai không có nhà, cũng không có xe vì ông cho rằng “già rồi đi xe bus cho tiện.” Ông không nói lương hưu của ông bao nhiêu, chỉ nói mỗi tháng ông trả $300 tiền thuê phòng, và phải ra ngoài ăn uống một cách tiết kiệm vì “chủ nhà không cho nấu ăn.”

“Ở đây, người ta nhìn tình cảnh của tôi chẳng khác gì thằng cơ hàn,” ông Hai tự đưa lời nhận xét. “Nhưng khi về Việt Nam thì tôi khác à!”

Ðến ‘anh’ Việt kiều được chìu chuộng chăm sóc

“Ở đây, người ta nhìn một ông già 70 như tôi, không có xe, không có nhà chẳng khác nào như một thằng cơ hàn. Trong khi mỗi lần về Việt Nam , tôi thấy mình như ông vua, có thể hét ra lửa được, vì con gái Việt Nam rẻ như bèo, mình có tiền muốn làm gì mà chẳng được.”

Ðó là lý do mà ông Hai Lý cứ chắt mót số lương hưu, khi thấy “vừa đủ” là bay ngay về Việt Nam để được làm người “hét ra lửa.”

Người đàn ông đậm người, tóc được nhuộm đen không thể nhìn ra một sợi trắng, nói rất tự nhiên, “Về Việt Nam , tôi ít khi ở Sài Gòn, ở đó cái gì cũng mắc mỏ. Tôi còn bạn bè ở Vĩnh Long. Mỗi lần tôi về là họ dẫn tôi đi chỗ này chỗ nọ.”

“Chỗ này chỗ nọ” của ông Hai là những quán cà phê, những tiệm massage cũng “sạch sẽ tươm tất” nhưng giá cả không quá đắt. Ông Hai nói không cần che giấu, “Mình bỏ ra có ba bốn trăm ngàn, chưa đến hai chục đô, mà có người gội đầu, người ngồi cắt móng tay, móng chân, người mát-xa mặt thì còn muốn gì nữa. Ðàn ông mà.”

Ông Hai cũng nhắc đến những nơi ông thích lui tới như “cà phê vườn,” “cà phê võng” nhưng khi được hỏi ở đó có gì khiến ông thích thì ông chỉ cười không trả lời, rồi bắt qua chuyện khác.

Không nhận xét “con gái Việt Nam rẻ như bèo” như kiểu ông Hai Lý, nhưng cảm giác được “chìu chuộng chăm sóc ngọt ngào” cũng là điều ông Nghĩa Nguyễn tìm thấy trong những lần về Việt Nam sau đó.

Ông Nghĩa kể mấy lần sau về Việt Nam, nhiều bạn già, bạn nhậu của ông người thì chết, người thì bệnh bởi những chứng tiểu đường, cao máu. Buồn, thiếu người nói chuyện, ông Nghĩa “đi cắt tóc thanh nữ cho quên sầu.”

Học được cách cho tiền “tip” từ Mỹ, ông Nghĩa “bo” cho cô thợ cắt tóc một ít tiền. Thế là “cô thợ chỉ hơn 20 tuổi kêu tôi bằng anh ngọt xớt.” Ông Nghĩa kể lại mà gương mặt vẫn còn giữ nguyên nét hồ hởi, “Tôi nghe khoái quá! Bởi lâu lắm rồi người ta chỉ kêu tôi bằng chú, bằng bác, vợ tôi thì khi nói chuyện cũng kêu tôi bằng ông. Giờ nghe có người kêu mình bằng ‘anh’ thấy lạ tai và thấy mình trẻ ra.”

Cứ vậy mà ông Nghĩa mê trò “đi cắt tóc, gội đầu, mát-xa.”

Rồi ông cũng chợt nhận ra là ông chưa từng bao giờ hưởng được sự dịu ngọt, chìu chuộng như vậy từ vợ con, họ chỉ từng “sợ” ông khi ông còn là trụ cột trong nhà. Ông cảm thấy hình như đã đến lúc ông cần “phải lo cho bản thân ông nhiều hơn.”

Ông Nghĩa bắt đầu có thú vui mỗi khi về Việt Nam là đi “khám phá” những “tiệm cắt tóc gội đầu máy lạnh” và đi nhậu ngoài quán chứ không còn nhậu với mấy ông bạn già ở nhà như những lần trước.

Ông lại vui hơn nữa là mấy cô gái nơi đó đều gọi ông bằng “anh.” Mà tính ông lại “thương người” nên cứ nghe cô nào ngồi thủ thỉ chuyện gia cảnh khó khăn phải đi làm thế này là ông lại cho tiền, “mỗi lần 50 đô hay có khi cho 100 đô.”

Khi được hỏi, “Ông không nghĩ là những cô gái đó ngọt ngào với ông vì chỉ muốn tiền của ông thôi sao?” ông Nghĩa tỉnh bơ trả lời, “Sao lại không biết! Nhưng tôi cảm thấy tôi happy trong những khoảng thời gian đó thì tôi làm thôi.”

Chỉ muốn ‘ăn bánh trả tiền’ hay thực sự muốn chuyện trăm năm?

“Ăn bánh trả tiền” là điều ông Nguyên Phạm, gần 60 tuổi, chủ một business nhỏ ở Santa Ana, chọn.

Ông Nguyên xác định rất rõ, “Cuộc sống vợ chồng tôi ở đây không hạnh phúc. Nhưng cũng không ly dị vì không muốn giải quyết chuyện phân chia tài sản. Mỗi năm tôi về Việt Nam một đôi lần là để đi chơi, hưởng thụ.”

Theo lời ông Nguyên kể, mỗi lần về Việt Nam, qua lời giới thiệu của “người quen,” ông sẽ “cặp kè” với một cô. Trung bình ông sẽ trả cho cô gái $1,000 cho cuộc sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” trong vòng một tháng. Còn những khoảng ăn ở, đi chơi nơi này nơi khác, ông Nguyên cũng là người chi trả hết.

Người đàn ông này giải thích thêm, “Mỗi lần về Việt Nam trong thời gian ngắn ngủi như vậy chỉ thấy mình được chìu chuộng, nâng niu. Không có chuyện cãi lộn, gấu ó. Không bị căng thẳng đầu óc vì công việc.”

“Cũng có lúc gặp mấy cô dễ thương, khi qua đây rồi cũng có gọi điện về nói chuyện chơi. Nhưng khi thấy cô nào bắt đầu than ‘má em bệnh, ba em đau, xe em mất’ là tôi ‘bái bai,’ cắt liên lạc luôn để khỏi phiền.” Ông Nguyên nói.

Ông Hai Lý cũng xác định chuyện muốn “hét ra lửa,” vung tay cho tiền những cô gái quê để được chăm sóc, nâng niu cũng chấm dứt khi rời khỏi Việt Nam, bởi ông không muốn có những ràng buộc, “qua đây thân tôi lo còn chưa xong nữa mà đèo bòng thêm chi.”

Riêng ông Nghĩa Nguyễn thì có hơi khác. Không chỉ có cảm giác là mình “thật sự trẻ ra” khi “bước vô quán nào người ta cũng kêu tôi bằng anh,” mà ông còn muốn nếu có ai đó chịu đứng ra bảo trợ tài chánh thì ông sẵn sàng ly dị vợ để cưới ngay một cô từ Việt Nam qua để suốt ngày nghe tiếng “anh” cho thỏa cái lỗ tai.

Ước mơ của ông Nghĩa đang lưng chừng thực hiện được “phíp-ty pờ xen” (50%) vì các con ông chia hai phe. Một phe ủng hộ, “ba già rồi hãy làm điều gì cho ba vui thì làm.” Nhưng phân nửa kia thì cật lực phản đối, “không chịu được cảnh nhìn ba tung tăng đi công viên với một đứa đáng tuổi cháu ngoại.”

Vợ ông Nghĩa đương nhiên biết chuyện “cặp bồ” của ông ở Việt Nam, nhưng bà nói, “Già từng tuổi này rồi, tui chẳng có gì để ghen tuông, mà tui chỉ thấy phát gớm!”

Theo NVonline

Việt Kiều cưới vợ Việt Nam và các câu chuyện đáng thương

Làm sao mấy cô biết được anh là người thành đạt trong khi có nhiều chàng ở bên này về hẹn hò cho đã rồi bắt người ta chờ nữa, rồi cuối cùng có cưới hay bảo lãnh người ta qua bên này đâu.
>Tôi ảo tưởng hay phụ nữ bây giờ thiếu kiên nhẫn?

Việt Kiều cưới vợ

Việt Kiều cưới vợ

From: CN Le
Sent: Monday, May 17, 2010 7:44 AM

Chào anh Khánh Hưng,

Đọc tâm sự của anh tối thứ bảy, định viết vài dòng cho anh nhưng không biết viết sao cho rành mạch vì có những lúc em bất chợt quên hẳn tiếng Việt vì cũng đã xa quê hương gần 16 năm rồi. Mặc dù cố gắng giữ lấy tiếng mẹ đẻ, nhưng em ít khi viết tiếng Việt sau từng ấy năm trời nên em nghĩ sẽ có nhiều sai sót trong những lời em viết cho anh. Em mong anh và độc giả thông cảm nhé.

Em rất hiểu những gì anh đang trăn trở. Giá như anh không phải là người đàn ông thành đạt và cẩn thận thì có lẽ anh sẽ tìm được một mái ấm gia đình dễ dàng hơn. Anh không sai trong vấn đề này, nhưng em được biết đa số đàn ông về Việt Nam cưới vợ là không thành đạt hay mơ được lấy vợ trẻ đẹp, chiều chuộng mà họ không thể có cơ hội tìm được ở Mỹ vì họ nghĩ không có gì để mất nếu có ly dị.

Có nhiều cặp hạnh phúc và cũng có nhiều cặp không được hạnh phúc. Hạnh phúc hay không tùy thuộc vào người con gái muốn lấy chồng ngoại với mục đích gì. Có nhiều người vì tình yêu thật sự nhưng có lẽ rất ít vì làm sao có thể gọi là tình yêu khi chỉ gặp 1-2 lần rồi làm đám cưới một cách chóng vánh như thế được.

Em có biết nhiều trường hợp mấy anh về Việt Nam lấy vợ dở khóc, dở cười. Em sẽ kể anh nghe 2 câu chuyện này nhé.

Em có người anh bà con có người yêu ở Việt Nam. Gia đình ngăn cản không cho anh quen người ở Việt Nam vì sợ họ qua cầu rồi rút ván chỉ vì anh là người tàn tật. Anh này có vẻ rất thương yêu và mê đắm cô này lắm. Theo anh kể thì cô này nói rất là thương yêu anh. Ai cũng nghi ngờ cô này vì nếu anh là người bình thường thì còn dễ hiểu. Bất chấp gia đình ngăn cản anh cũng về Việt Nam cưới cô này và có một đứa con.

Khi gia đình anh nghe cô có con thì hối thúc bảo lãnh cô này qua Mỹ nhưng sao anh không chịu làm. Gia đình la, chửi anh này phải có trách nhiệm với mẹ con cô ta. Em cũng ngồi khuyên anh không nên bỏ vợ con ở Việt Nam như thế thì anh mới tâm sự rằng có lần tình cờ anh nghe cô này nói chuyện với cậu cô ta.

Cậu cô ta hỏi hết Việt Kiều rồi sao lại lấy anh tàn tật. Cô này mới trả lời chỉ mượn anh này để được qua Mỹ thôi. Anh này không thể ngờ rằng người mà nói thương yêu anh vì anh không được gặp may mắn lại như vậy. Em nghe anh kể thì cũng không biết phải khuyên sao cả vì chắc chắn qua bên này cô ta sẽ bỏ anh mà thôi.

Chỉ biết em và anh của em biết được bí mật của anh này chứ gia đình anh không hề biết vì anh vẫn thương cô này, nhưng không dám bảo lãnh mà chỉ cung cấp tiền bạc và một năm về thăm 2 lần. Anh nói thà chịu mọi người chửi anh vô trách nhiệm với con mà còn có vợ và con, còn hơn bảo lãnh qua mất cả vợ và con.

Câu chuyện thứ hai là một người bạn trung học được chồng về cưới. Cô này là giáo viên dạy Anh ngữ. Cha mẹ anh chấm cô này vì cô mướn phòng cha mẹ anh này thành ra họ cũng có thể biết được cô này sống như thế nào mới dám giới thiệu cho con trai mình. Anh này về coi mặt và quyết định cưới nhau một cách chóng vánh và bảo lãnh cô này sang Mỹ.

Mọi người đi dự đám cưới của cô này về ai cũng chê anh này thiếu cách cư xử. Làm như cưới cô này là ban thưởng vậy. Ngày đám cưới mà không mặc một bộ đồ cho đàng hoàng mà mặc áo thun ba lỗ đi cưới vợ vì lý do trời nóng. Còn nhiều nhiều điều chê nữa trong tiệc cưới tưởng chừng ai cũng muốn bỏ về ngay lập tức. Cô này nói như thế này “hy sinh đời chị để củng cố đời em”.

Khi qua Mỹ cô mới biết anh này ham chơi, nhậu nhẹt và còn nợ nần. Trình độ quá chênh lệch nên rất khó khăn trong bước đầu sống chung. May thay cô này là người biết chấp nhận nên không bỏ chồng. Chồng tốt hay xấu cũng là chồng của mình và lại mang ơn anh này nhờ có anh mà cô này được sang Mỹ đi làm rồi giúp đỡ cha mẹ có nhà cao cửa rộng và nuôi các em đi học thành tài mà cô này biết rằng nếu lấy chồng ở Việt Nam thì khó mà giúp đỡ được gia đình như vậy. Nói chung cô này sống trọn vẹn với chồng con và đã thực hiện điều mà cô muốn làm cho gia đình cha mẹ.

Nếu như ai cũng sống giống như cô bạn mình thì có lẽ mấy anh bên Mỹ không phải băn khoăn hay sợ và mạnh dạn hơn trong vấn đề trở về Việt Nam lấy vợ để mấy chị em ta ít phải làm dâu xứ Hàn, Trung Quốc, Đài Loan…

Lấy vợ hay chồng ở xa giống như đánh một ván cờ nhưng mà ai cũng biết mục tiêu của mình là gì mà thôi. Giống như anh, anh biết tại sao anh muốn cưới vợ ở Việt Nam chứ em không tin với người thành đạt như anh lại không thể tìm được một người vợ ở Mỹ mà theo em được biết có vẻ đỡ vất vả trong vấn đề tìm hiểu và dù sao đi nữa cô ta cũng biết được cuộc sống ở Mỹ là như thế nào rồi.

Cách đây 3 năm em vẫn không đồng ý với nhiều người chỉ gặp nhau vài lần là nghĩ tới chuyện lập gia đình. Em tự hỏi làm sao họ có thể hiểu được lẫn nhau trong vòng mấy tháng như vậy. Liệu họ có được hạnh phúc hay không? Nhưng một năm trở lại đây em lại thấy nhiều khi lấy nhau chóng vánh như vậy mà cũng hay. Họ đã đủ chín chắn để xây đắp cho mình một gia đình. Họ biết họ cần tìm những gì họ muốn cần trong người phối ngẫu của họ ngay từ đầu. Họ thẳng thắng với nhau.

Họ không còn trẻ nữa để tìm hiểu nên họ thống nhất với nhau góp gạo thổi thành cơm, mặc dầu tình yêu chưa đủ chín muồi. Em được biết có 3 cặp vợ chồng gặp nhau tại Mỹ không quá 6 tháng là họ quyết định làm đám cưới và hiện giờ họ có những đứa con xinh xắn. Họ rất hạnh phúc. Chính họ đã thay đổi quan niệm sống của em.

Không hẳn thời gian tìm hiểu dài là mình có thể hiểu được nhau. Giống như em, em cũng có mối tình đầu khi vừa xong cấp 3. Quen biết nhau cũng gần 4 năm rồi tụi em phải xa nhau để được đoàn tụ với ba. Ra đi có nhiều hứa hẹn phải quay về, nhưng khi đến Mỹ không giống như em tưởng. Mấy năm đầu quá vất vả nên em buông tay với mối tình đầu.

Rồi 6 năm trở lại có dịp về VN tình cờ gặp lại tình xưa rồi lại nối tình xưa. Em có ý định bảo lãnh qua bên này nhưng lại bị gia đình phản đối. Em lại quá nhu nhược hay nói đúng hơn tình yêu không đủ mạnh nên đành thôi, chia tay lần nữa. Tính ra mối tình này cũng gần 10 năm nhưng có lẽ vì xa mặt cách lòng. Hồi ấy còn trẻ nên chẳng thấy mình bỏ phí thời gian như vậy.

Mối tình thứ hai cũng hơn 6 năm trời. Học xong đại học thì 2 người ra mở kinh doanh. Dĩ nhiên vốn liếng thì anh chịu. Em chỉ bỏ công sức ra mà thôi. Em cứ ngỡ 2 đứa sẽ thành nên không hề có một chút phòng thủ cho mình. Chỉ một câu nói từ anh như thế này “Anh rất hạnh phúc vì có em bên anh trong những lúc khó khăn nhất. Anh thật sự cám ơn em” mà em lại tin tưởng anh ta một cách tuyệt đối.

Hồi mới quen anh, anh gặp rất nhiều khó khăn nên em luôn là nguồn động lực. Em luôn động viên anh trong kinh doanh. Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt thì em càng thấy xa cách anh hơn. Rồi chuyện gì đến đã đến. Chúng em chia tay nhau vì anh không còn là người mà em từng yêu. Bao nhiêu lần chia tay rồi anh năn nỉ làm em lại mềm lòng. Trong thời gian chia tay ấy có nhiều anh muốn đến với em nhưng vì anh mà em không đến với họ.

Cuối cùng có nhiều chuyện làm em không thể tha thứ cho anh và em quyết định chia tay dứt khoát và không còn muốn thấy hay liên lạc với anh nữa. Chỉ có một điều 2 mối tình đã lấy mất tuổi thanh xuân của em mất rồi. Lỗi tại em khi biết không hợp mà không dứt khoát, quá mềm lòng cứ cho người ta quá nhiều cơ hội để sửa sai vì em nghĩ không ai là hoàn hảo cả. 34 tuổi mà em lại quyết định chia tay mặc dầu em biết có thể hết cơ hội tìm cho mình một người khác.

Giờ em đã 36 tuổi rồi, cái tuổi quá đủ chín chắn để tìm vui trong bổn phận nên em không muốn có một mối tình mà phải tìm hiểu lâu dài phí tuổi thanh xuân của mình nữa. Trong vòng mấy tháng mà em cảm thấy không hợp thì không muốn làm quen nữa. Cảm giác của em khi nào cũng đúng nhưng em lại hay đi làm trái với cảm giác của em nên mới ra như vậy.

Qua cách cư xử hay nói chuyện mình có thể đánh giá đối phương là người như thế nào rồi. Đơn giản 2 bên tôn trọng nhau là OK rồi. Vậy mà anh bạn trai của em lại không đồng ý. Muốn tìm hiểu lâu dài hơn nữa. Quen nhau 8 tháng trời mà em lại không hề biết gì về anh thì có được bình thường không đây. Anh nói còn quá sớm để biết gia đình và bạn bè của anh. Thậm chí em không hề biết nhà anh ở đâu nữa. Anh có vẻ là một người khá đàng hoàng vì anh chưa một lần lợi dụng xác thịt, nhưng em lại không hiểu sao anh lại muốn giấu em với tất cả mọi người anh biết.

Nhiều người lại hỏi em tại sao nhìn em thì không ai nghĩ đã 36 tuổi lại dễ thương, lo làm ăn, không đua đòi lại không tìm được cho mình một bờ vai nương tựa. Đã 2 lần em đã nói chia tay với anh nhưng anh không muốn chia tay. Em cảm nhận rằng cuộc tình này chẳng đi về đâu vậy thì tại vì sao em lại không dứt khoát? Nhiều lần anh nói em không có gì để anh phải chê và chưa một lần đòi hỏi gì ở anh hay thậm chí chưa gây khó dễ cho anh. Anh chỉ nói còn quá sớm để em biết gia đình anh. Vậy thôi!

Từ câu chuyện tình em kể cho anh, nếu anh là em thì anh sẽ làm sao? Thành ra em nghĩ không hẳn người con gái ở Việt Nam thiếu kiên nhẫn đâu anh ơi. Phải chăng họ chưa thật sự tin tưởng anh có chắc về cưới họ mà bắt họ chờ anh trong khi đa số mấy chàng bên Mỹ về VN lấy vợ cũng cưới một cách chóng vánh. Làm sao mấy cô biết được anh là người thành đạt trong khi có nhiều chàng ở bên này về hẹn hò cho đã rồi bắt người ta chờ nữa, rồi cuối cùng có cưới hay bảo lãnh người ta qua bên này đâu.

Có nhiều người con gái bị lỡ làng cũng vì mấy anh chàng Việt kiều. Thành ra không thể trách họ được khi anh chưa tạo được niềm tin nơi họ. Có nhiều khi anh kể cuộc sống bên này cho họ hiểu chắc gì họ đã hiểu thật sự. Anh muốn lấy vợ phương xa thì phải chịu thiệt thòi là không được tìm hiểu kỹ càng cho lắm. Một năm gặp một lần thì quá ít để hiểu nhau nhưng phải chịu thôi vì anh cũng có việc làm của anh nữa. Nói chung anh phải tạo niềm tin và cho họ hiểu là anh serious với họ mới được. Nói tóm lại vợ chồng cũng có duyên số nữa.

Em hy vọng sẽ có nhiều độc giả góp ý cho anh để anh sớm tìm được bến đỗ. Chúc anh sớm tìm được hạnh phúc anh nhé.

CN

Thủ tục người nước ngoài hay Việt Kiều cưới vợ và đăng ký kết hôn tại Việt Nam

Hồ sơ đăng ký kết hôn

Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006. Theo đó, hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên phải có các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định.

– Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.

Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó.

– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).

– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Ngoài các giấy tờ quy định nêu trên, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.

Thủ tục nộp, nhận hồ sơ

Điều 14, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định, khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên đương sự phải có mặt. Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và uỷ quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba.

Khi nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ.

Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam

Tại Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung theo Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP quy định như sau:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:

– Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau.

Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn.

– Niêm yết việc kết hôn trong 7 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị UBND cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của bên đương sự là công dân Việt Nam, nơi thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện việc niêm yết. UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc kết hôn trong 7 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong thời hạn này, nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về việc kết hôn thì UBND cấp xã phải gửi văn bản báo cáo cho Sở Tư pháp.

– Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ.

Báo cáo kết quả phỏng vấn các bên đương sự, thẩm tra hồ sơ kết hôn và đề xuất ý kiến giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình UBND cấp tỉnh quyết định, kèm theo 1 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.

Trường hợp ông Chen Wenqian công dân Trung Quốc muốn kết hôn với phụ nữ Việt Nam, thì hai bên nam, nữ cần phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định nêu trên rồi nộp hồ sơ và lệ phí tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có hộ khẩu thường trú, hoặc đăng ký tạm trú có thời hạn của công dân Việt Nam để thực hiện đăng ký việc kết hôn.

Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Chủ tịch UBND  tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Khi tổ chức Lễ đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn.

Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 1 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Luật sư Trần Văn Toàn