Các nhà quản lý dân số đưa ra cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến hệ quả là khoảng 20 năm sau, nam giới Việt Nam sẽ phải sang tận… châu Phi tìm vợ.
Thế nhưng có một thực tế khác cũng dẫn đến hệ quả tương tự mà ở ngay thời điểm hiện tại chứ không cần chờ đến thời gian quá lâu, đó là việc các cô gái Việt “xuất ngoại” làm dâu xứ người.
Kéo nhau đi lấy chồng ngoại
Gần đây, hiện tượng các cô gái Việt lấy chồng ngoại ngày càng gia tăng. Những cuộc hôn nhân được cho là thành công lại càng làm tăng mong muốn lấy chồng ngoại quốc của các cô gái ở nhiều địa phương.
Theo nghiên cứu của Ths.Trần Giang Linh, Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội và cộng sự tại ĐH Western Ontario, Canada, bên cạnh những tác động tích cực từ việc xuất ngoại lấy chồng của các cô gái nông thôn Việt Nam thì cũng có những tác động đến cơ cấu giới tính, thị trường hôn nhân tại địa phương.
“Tôi thấy buồn, hầu hết con gái trẻ đẹp ở địa phương đều đã lấy chồng nước ngoài. Bọn tôi – đàn ông nghèo rất khó lấy vợ. Tôi ngày càng già vẫn chưa có vợ. Nhiều bạn bè của tôi cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy và phải tìm bạn ở các vùng bên cạnh hoặc các tỉnh khác”, một người tham gia phỏng vấn cho biết.
Hay như chia sẻ của một nam giới khác: “Trước đây, ế thường xảy ra với phụ nữ. Bây giờ lại xảy ra với đàn ông. Chúng tôi không có tiền để lấy vợ; giờ ngày càng nhiều người đàn ông ở đây bị ế… Một số người còn phải đến miền núi để tìm vợ”.
Lấy chồng ngoại vì tình yêu hay vì kinh tế?
Theo khảo sát của PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh về hiện tượng xuất ngoại lấy chồng ở xã Đại Hợp,huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) – địa phương có nhiều người lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, một trong những động lực thúc đẩy phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài nói chung và lấy chồng Hàn Quốc nói riêng là yếu tố kinh tế.
Cụ thể, 53% cha mẹ có con gái lấy chồng Hàn Quốc nói rằng con họ có gửi tiền về cho gia đình. Trong đó 8% gửi tiền thường xuyên, 75% thỉnh thoảng, và 17% hiếm khi gửi.
Người dân địa phương này cho rằng, hầu hết các gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc đều khá giả, giàu sang.
“100% nhà có con gái lấy chồng nước ngoài đều giàu lên. Đại đa số nhà có con gái lấy chồng Đài Loan đều xuất phát từ hộ nghèo và bứt lên thành hộ giàu. Những hộ này khác trước sống trong nhà 3 gian không có gì cả. Bây giờ thì nhà 3 hay 4 tầng, đồ đạc không thiếu thứ gì”, một người dân tham gia khảo sát cho biết.
Ngoài ra, cũng có sự phân biệt đáng kể về mức sống của những hộ gia đình có con lấy chồng nước ngoài với những hộ khác. Tại địa phương này có thể chia thành 3 loại: giàu, trung bình và nghèo. Giàu chi tiêu hàng tháng hết 5 triệu, hộ trung bình 2,5 triệu, nghèo 1 triệu. Trong những hộ giàu thì đa phần có con lấy chồng nước ngoài (chiếm 80%) gửi tiền về giúp đỡ.
Một cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc cho biết, cuộc hôn nhân này khiến cô không phải lo về chuyện kinh tế.
“Bạn bè em lấy chồng Việt Nam, cả 2 vợ chồng cùng đi làm công nhân nếu chắt bóp chỉ đủ ăn thì ở Hàn Quốc, tuy chồng em chỉ là công nhân lái máy xúc cũng có thể nuôi vợ con khá thoải mái, vẫn có tiền để dành”, cô dâu Hàn gốc Việt cho biết.
Trai Việt dễ “ế” vợ
Nghiên cứu của Ths.Trần Giang Linh cũng chỉ rõ, trong số những người được phỏng vấn, có 36,7% cho biết việc những cô gái đi lấy chồng ngoại khiến việc lấy vợ địa phương trở nên khó khăn; 13,5% cho biết họ phải đi lấy vợ ở địa phương khác. Điều này đặt ra vấn đề, nam giới ở phạm vi địa bàn nghiên cứu đang phải đối mặt với sức ép hôn nhân.
Cũng giống như đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc, những người đang “nhập” cô dâu ngoại, nam giới ở thị trường này chỉ có thể tìm vợ ở những khu vực lân cận trong nước, thường là những vùng nghèo hơn. Người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng phụ nữ địa phương xuất ngoại lấy chồng chính là nam giới nghèo.
Trên thực tế, mấy năm gần đây, vấn đề kết hôn của các chàng trai ở xã Đại Hợp đã trở nên khó khăn hơn trước, có nhiều lý do nhưng một nguyên nhân quan trọng là bởi con gái ở đây đa phần đều mong muốn lấy chồng nước ngoài.
Thị trường hôn nhân địa phương trở nên khó khăn do sự khan hiếm nữ giới trong độ tuổi kết hôn, khiến nam giới phải tìm kiếm bạn đời ở nơi khác. Mặc dù Đại Hợp là một xã kinh tế phát triển mạnh nhất huyện Kiến Thụy, nhưng trên địa bàn của xã không có một xí nghiệp, doanh nghiệp nào, và xã cũng không có nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Vì thế, không có lao động di cư từ nơi khác đến Đại Hợp, khiến cho nam giới đến độ tuổi kết hôn phải tìm kiếm đối tác ở các địa phương lân cận, cùng huyện khác xã, khác quận, huyện và cả phụ nữ thuộc các tỉnh khác nhau.
Theo đó, số nam giới lấy vợ là người cùng xã chỉ bằng 45,7% số nam giới lấy vợ nơi khác, nói cách khác cứ 1 nam giới lấy vợ cùng xã thì có 2 nam giới lấy vợ ngoài xã. Trong khi số phụ nữ lấy chồng cùng xã chỉ bằng 35,2% số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nghĩa là số phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều gấp gần ba lần số phụ nữ lấy chồng trong xã.
Chính vì thị trường hôn nhân trở nên khó khăn nên không ít nam giới Đại Hợp phải lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm bạn đời.
“Nếu Việt Nam cứ để tình trạng xuất khẩu con gái như thế này thì lại như Trung Quốc, Hàn Quốc thôi, khi ấy con trai Việt Nam lại phải ra nước ngoài tìm vợ”, một bà mẹ có con trai đến tuổi lấy vợ lo lắng.
Từ nghiên cứu trên đây có thể thấy tác động của sự khan hiếm phụ nữ đến quy luật cung – cầu trong việc tìm kiếm bạn đời của nam giới. Đây có thể coi là một thách thức lớn đối với những nam thanh niên đang bước vào tuổi trưởng thành, có ý định tìm kiếm bạn đời ngay trên quê hương mình. Sự thách thức này sẽ càng gia tăng trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia dân số Liên hợp quốc, “sự chênh lệch tuyệt đối giữa quy mô dân số nam và nữ ở Việt Nam vào năm 2050 sẽ khoảng 2,3 đến 4,5 triệu người”.
“Sự khan hiếm cô dâu, còn dẫn đến những hệ lụy xã hội khác, có thể dẫn đến sự cạnh tranh hay giành giật trong quá trình tìm kiếm bạn đời. Điều này rất có thể xảy ra những hệ lụy trong xã hội…”, PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh nói.
Chính phủ Hàn Quốc vừa áp dụng những quy định mới hạn chế hôn nhân với người nước ngoài.
Từ năm 2000, số cô dâu nước ngoài – tuyệt đại đa số là từ các nước Châu Á – đã tăng mạnh ở Hàn Quốc. Đỉnh điểm là năm 2005, khi có đến 300.000 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc được cấp thị thực để cư trú ở nước này.
Theo RFI, nguyên nhân của xu hướng này là do tại các vùng nông thôn, phụ nữ trẻ đua nhau kéo lên Seoul và các thành phố khác tìm việc làm, gây nên tình trạng “trai thừa, gái thiếu”, khiến nhiều thanh niên không kiếm được vợ, phải tìm bạn đời từ các nước khác.
Theo các số liệu thống kê chính thức, từ năm 2000 đến nay, đã có khoảng 236.000 phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc sang định cư ở nước này và sinh ra khoảng 190.000 trẻ em. Hơn 80% cô dâu là đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Thái Lan và Mông Cổ – chủ yếu qua các nhà môi giới hôn nhân.
Nguyễn Vũ