Phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc có hạnh phúc không
Tôi đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh của những phụ nữ Việt Nam có học thức lấy chồng Australia. Họ cho mùi nước mắm là hôi thối và tránh không cho dùng món này trong nhà hoặc không cho cùng ngồi bàn, cấm nói chuyện bằng tiếng Việt trong những bữa tiệc, cấm không cho chơi với người Việt, cấm không cho ăn món Việt. (Nguyen)
>Tỷ lệ ly hôn thấp không đồng nghĩa người Vietnam hạnh phúc
From: Nguyen
Sent: Friday, October 10, 2008 10:02 AM
Subject: Gui toa soan: So sanh giua chong noi- chong ngoai
Những người so sánh giữa đàn ông nội ngoại, các bạn có phải là nhà tâm lý gia đình, nhà xã hội học, một chuyên gia về giải quyết xung khắc gia đình? Những gì các bạn so sánh giữa đàn ông Việt Nam và đàn ông ngoại quốc, dựa trên những nền tảng nào?
Tôi không phản đối chuyện lấy chồng ngoại quốc, nhưng để đáng giá, so sánh giữa những người đàn ông Việt Nam và đàn ông ngoại quốc, liệu bạn đã có những thống kê nào về những hôn nhân Âu – Á. Bạn có dựa trên những yếu tố khoa học nào để định vị và đo lường được?
Trên diễn đàn này có quá nhiều những bài viết ca ngợi cá nhân của vài người, hay là một nhóm đàn ông ngoại quốc. Nhưng thiếu đi những bài viết nói về một khía cạnh thật sự xảy ra, mà hiển nhiên không ai muốn chia sẻ. Chương trình Radio của nước Australia cũng đã có một vài lần thảo luận về “Asian Sterotype”, tại sao đàn ông Australia thích lấy vợ châu Á. Ngoài những lý do như nhỏ nhắn, tóc đen dài gợi cảm, nhiều người đàn ông Australia cho rằng phụ nữ Á châu biết lo lắng, đảm đang việc nhà.
Không phải không có lý do mà hiện nay nước Australia cấm người đàn ông bảo lãnh vợ ở nước ngoài không quá 3 lần. Trước đây một số đàn ông Australia không lấy được vợ nên đến các nước Á châu, trong đó có Việt Nam để tìm những cô vợ trẻ trung. Qua đây đôi ba năm là bỏ, tìm cô khác. Cũng có trường hợp ngược lại.
Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn rằng bên cạnh những người đàn ông ngoại quốc tốt, cũng có những người không được tốt lắm. Tôi đã chứng kiến cái tốt cái đẹp của người đàn ông ngoại quốc cũng như cái xấu cái dở của một số người. Cũng đã xảy ra bạo lực của những ông chồng ngoại quốc đối với những người vợ châu Á, không phải bằng bạo lực, mà về tinh thần. Đó là điều đau lòng nhất vì có một số người phụ nữ vẫn không nhận ra điều này.
Chính trong thời điểm này tại nơi tôi làm việc, trong những lúc nói chuyện với nhau, cũng có một cuộc thảo luận về vấn đề hôn nhân khác chủng tộc. Tôi là người phụ nữ Việt duy nhất trong nhóm thảo luận này. Môi trường tôi làm việc là nghiên cứu và dạy học tại một trường đại học nước ngoài. Các đồng nghiệp tôi đã đưa ra nhiều mẩu chuyện về cung cách đối xử bạo hành về tinh thần, hay thái độ thiếu tôn trọng của đàn ông Australia đối với người vợ nước ngoài.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh của những phụ nữ Việt Nam có học thức lấy chồng Australia. Không có gì đáng chê trách cả nếu nhìn về bề ngoài. Một số trong những người đàn ông ngoại quốc làm hết mọi việc trong nhà như cắt cỏ, nấu ăn, đưa đón con đi học, và chu cấp tiền bạc đàng hoàng. Một vài người trong số họ để mặc vợ lo toan chuyện con cái. Ngày cuối tuần họ cần thời gian riêng cho họ, và thế là người vợ phải dẫn con đi ra ngoài.
Nếu vợ họ có làm gì sơ sót thì bảo là “That’s Vietnamese way”. Vợ làm điều gì sai thì so sánh, cũng hệt như câu chuyện so sánh đàn ông Việt – ngoại quốc vậy. Hoặc là họ cho mùi nước mắm là hôi thối và tránh không cho dùng món này trong nhà hoặc không cho cùng ngồi bàn, cấm nói chuyện bằng tiếng Việt trong những bữa tiệc (vì người mời thường lẫn lộn giữa người da trắng và Việt), cấm không cho chơi với người Việt, cấm không cho ăn món Việt Nam.
Nếu mà nước ngoài không có luật pháp bảo vệ phụ nữ, thì chắc chắn họ cũng không tha gì chuyện hạ cẳng thượng chân rồi. Chuyện đàn ông ngoại quốc không bao giờ sử dụng bạo lực với phụ nữ? Xin thưa, nếu họ sử dụng bạo lực thì đã có cảnh sát tới can thiệp và đưa họ ra tòa tòa ngay.
Tuy nhiên, một số trong những người phụ nữ này không nhận ra sự thiếu tôn trọng của những người đàn ông bản xứ đối với người vợ văn hóa Việt Nam. Hoặc giả có nhận ra, cũng không dám lên tiếng…
Có thể các bạn cho rằng những ông chồng này là dân lao động. Xin thưa, họ cũng là manager hoặc làm việc văn phòng trong những department. Thế họ có phải là người trí thức chăng? Nhưng theo khái niệm của tôi thì họ không phải là người trí thức. Người trì thức phải biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người, văn hóa của nước khác. Và nếu đã là vợ/chồng thì nhất thiết phải tôn trọng vợ/chồng và văn hóa, phong tục của vợ/chồng.
Đối với tôi và những người phụ nữ Australia thì đây là sự bạc đãi về tinh thần. Luật pháp nước ngoài rất tôn trọng quyền con người, và họ sẵn sàng bảo vệ người phụ nữ khi bị chồng cấm đoán như vậy.
Cũng có thể có người biện hộ rằng người ngoại quốc sợ mùi nước mắm. Xin thưa, một cô bạn tiến sĩ người bản xứ là bạn thân của tôi, và người chồng là một Professor đứng đầu cả một trường đại học, thế mà sau khi quen tôi có mấy tháng và làm quen với món ăn Việt Nam đôi ba lần, họ đã mua nước mắm đem về nhà và sử dụng nước mắm khi ăn món ăn Việt. Những bữa tiệc họ đãi thỉnh thoảng có chén nước mắm và bánh tráng cuốn mà họ tự làm. Họ tôn trọng tôi, tình bạn, và văn hóa Việt Nam. Trong khi đó những người phụ nữ lấy chồng ngoại quốc nghĩ sao khi chồng mình cấm nói tiếng Việt và ăn đồ ăn Việt Nam.
Chúng ta không phản đối hay cổ vũ cho chuyện lấy chồng nội hay ngoại. Đấy là quyền tự do riêng của mỗi con người. Tuy nhiên các bạn nữ xin nhớ cho rằng ngay cả chúng ta là người Việt có cùng nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa, nhưng nếu lớn lên trong hai môi trường hoàn toàn khác nhau, tư duy, hành xử và nhất là lý đoán hoàn toàn khác nhau, thì cũng ít hài hòa được. Huống chi là hai người khác văn hóa.
Tôi viết bài này để cho mọi người hiểu rõ mọi khía cạnh của một vấn đề.
[…] Phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc có hạnh phúc … – Phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc có hạnh phúc không Follow @VietDating_us […]