Lấy chồng Việt kiều Úc sướng hay khổ?
Khác với mường tượng của nhiều người về các cô dâu lấy chồng Việt kiều, đa số họ đều là những cô gái rất giản dị, chăm chỉ, chịu khó và nhan sắc chỉ ở mức trung bình khá.
Các cô đều xuất thân từ vùng miền Tây Nam Bộ và đa phần có thân nhân đang sinh sống tại Úc.
Sang “xứ thần tiên”
Sau nhiều lần lưỡng lự, Hương mới đồng ý dẫn tôi đến làm quen với nhóm bạn của cô là những cô gái từ Việt Nam sang Úc theo dạng hôn phối. Bản thân Hương cũng kết hôn với một Việt kiều Úc được gần một năm, qua mai mối của anh trai đang định cư tại đây.
Phải mất nửa buổi lạ lẫm các cô mới cởi mở nói chuyện và tâm sự về đời tư của mình.
Hương là người khởi chuyện. Cô thú nhận nước Úc khác nhiều so với tưởng tượng trước đây khi còn ở VN. Cô kể: “Hồi đó thấy các anh chị của em từ Úc về chơi, sao thấy các anh chị ấy sung sướng và thoải mái thế. Mọi người tiêu xài không cần phải suy nghĩ tính toán. Không phải mỗi chuyện tiền bạc đâu. Em cảm thấy cuộc sống của các anh chị ấy có vẻ rất thoải mái, vô lo vô nghĩ… làm sao ấy… Em ngỡ rằng Úc hẳn phải là “xứ thần tiên” chị ạ… “.
Phúc cũng tán thành: “Hồi đấy anh Hải, ông xã em, về VN chơi em cũng thấy như vậy… Mà anh ấy galăng hơn đàn ông Việt Nam nhiều… À còn mấy người bà con của em cũng là Việt kiều Úc, mỗi lần về thăm quê thấy người nào người nấy đeo toàn “vàng hai mốt” đầy người… Thấy sang lắm”.
Sự thật
Khi được hỏi “vậy sang đến Úc rồi còn thấy nó “thần tiên” nữa không”, các cô đều im lặng một chút rồi mới trả lời. Các cô thấy cuộc sống ở đây ổn định nhưng ai cũng phải đi làm vất vả chứ chẳng sung sướng như tưởng tượng hồi còn ở VN.
Mai – được người nhà tìm người “làm đám cưới giả” để qua Úc – kể về ngày đầu đặt chân sang Úc: “Em xuống máy bay đến ngày thứ hai là ông anh thứ tư của em làm ở chợ cá cho em theo đi cạy hàu ngay. Họ đổ hàu ở chợ bán sỉ cho mình cạy, tính tiền cho mình theo lố… Làm một đêm như vậy đâu cũng được cả trăm bạc ấy chị ạ, nhưng mà đau tay lắm… Ông ấy nói cho em đi làm luôn để em biết ở bên đây phải lao động vất vả như thế nào, các anh chị giúp bảo lãnh em sang đây thôi chứ từ nay phải tự lo đi làm mà sống”.
Hương thêm vào: “Hồi đấy, em cứ tưởng mấy ông anh của em ở bên này giàu sang lắm nhưng sang tới nơi mới biết các anh ấy còn chưa trả xong tiền nhà, tiền xe. Mà bên này lạ nhỉ, ai cũng mua nhà trả dần 20 năm”.
Tôi giải thích cho các cô rằng nếp sống của người Úc là vậy. Họ thường làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu chứ ít khi để dành, vì vậy họ có thói quen mua trả góp hơn là ở VN. Hơn thế thì cuộc sống và thu nhập ở đây khá ổn định nên người ta không phải nghĩ đến chuyện để dành một món phòng hờ khi có chuyện như ở nhà. Con cái trưởng thành thường tự lo cho mình chứ không như ở VN là bố mẹ lo mua nhà cửa cho con khi lập gia đình, ra ở riêng. Các cô nghe đều gật gù tỏ ý tán thành.
Duyên số
Thấy các cô đã tự nhiên hơn nhiều, tôi liền hỏi thăm chuyện tình yêu của các cô, làm sao các cô gặp ông xã hiện giờ của mình và lý do dẫn đến quyết định cưới.
Phúc kể trước: “Anh Hải là con của một người bạn của gia đình em ở bên này. Anh ấy gần 30 tuổi mà chưa có ai hết nên hai nhà có ý giới thiệu hai đứa với nhau. Năm 2005 anh ấy về Việt Nam chơi một tháng và ở tại nhà em. Bọn em được tạo điều kiện cho đi chơi với nhau ở Sài Gòn và Vũng Tàu cùng bên bà con của anh ấy. Em thấy anh ấy dễ thương nên cũng chịu quen…
Sau đó anh ấy về lại Úc thì bọn em liên lạc qua email và chat, rồi ba tháng sau anh ấy về cưới em luôn. Đáng nhẽ em sang đây luôn lúc đấy nhưng lãnh sự quán từ chối visa của em vì nghi ngờ hôn nhân giả và quá nhanh”.
Cô cho chúng tôi xem ảnh cưới của hai người và ra sức thanh minh vì đợi visa lâu quá nên cô đi chỉnh mũi lại cho cao hơn nên nhìn trong ảnh và hiện giờ hơi khác.
Bình im lặng từ đầu tới giờ mới chịu lên tiếng: “Em quen ông xã lúc sang đây chơi với bà chị của em. Em thấy anh ấy chững chạc và hào hoa, với cả mấy bà chị em vun vào quá nên em cũng ưng theo…”.
Bình mới hai mươi hai tuổi, cô nom “rặt” vẻ miền Tây Nam Bộ với khuôn mặt tròn trịa, làn da nâu và dáng người khoẻ mạnh. Chồng cô đã năm mươi mấy tuổi, là chủ một cửa hàng ở khu người Việt, chia tay vợ từ mấy chục năm trước và có mỗi một cô con gái hơn Bình hai tuổi nên khá nhiều lời đồn ra đoán vào về hôn nhân của cô.
Mai là người có chuyện tình yêu thú vị nhất. Cô đáng nhẽ chỉ định làm hôn nhân giả để sang đây nhưng gặp Tín rất chân thành chăm sóc nên sau ba tháng ở bên nhà anh chị ruột, Mai dọn về ở với “ông chồng hờ”.
Mai nói: “Thấy cái cách anh ấy chăm sóc cho mình từng chút một mà mình cảm động. Mình đi đâu anh ấy cũng đưa xe đi rước chị ạ. Mà ngay từ đầu, anh ấy gặp mặt em, anh ấy cũng nói là không chịu làm giấy tờ, nếu ưng cưới thật thì anh ấy mới chịu làm… Mấy anh chị em xúi cứ ừ đại rồi sang tới nơi tính sau… Giờ thì tính gì nữa nhỉ… Có duyên số hết chị ạ”.
Mai đang có bầu được ba tháng, khuôn mặt luôn tươi cười, rạng ngời hạnh phúc.
“Mác” Việt kiều
Tôi trêu các cô là thế ở nhà có bị tiếng ham lấy Việt kiều không, thì cô nào cũng nói là lúc đi qua đây cũng bị bà con chòm xóm nói này nói nọ, nhưng bị nói cũng không sai vì nhiều người ham giàu sang nên lấy Việt kiều lắm.
Hương kể ở chỗ ông xã cô làm có ông chủ gần năm mươi mà lấy cô vợ mới 19 tuổi từ VN sang đây. Trước khi nhận ai vào làm là ông ấy cấm không được nhìn vợ ông ấy, mà cái “bà” đó thì suốt ngày ăn mặc hở hang “ưỡn ẹo” đi lại trong hãng, hỏi làm sao đàn ông trong đấy không nhìn được chứ.
Chồng Hương kể ông chủ đấy đuổi không biết bao nhiêu người làm rồi. Mọi người cũng to nhỏ không biết đến ngày hết hạn hai năm thì cô ta sẽ “đá đít” ông này luôn không. (Bảo lãnh theo dạng vợ chồng phải mất hai năm thử thách mới được Bộ Di trú cho nhập cư chính thức).
Có một điều là khi lấy Việt kiều nghĩa là mình cũng mang “mác” Việt kiều, các cô mới thấu hiểu gánh nặng của hai chữ đấy với bà con bên VN. Hương kể: “Em sợ lễ Tết lắm chị ạ, mà chẳng cứ phải có lễ bên nhà mới gọi, cứ đều mỗi tháng lại bị điểm danh… hết nhà người này hỏng cái này đến người kia bệnh…”.
Ngoài Bình ra thì đời sống của các cô cũng khá vất vả. Chồng của các cô, người làm việc trong hãng, người đi chở hàng thuê và ở nhà ăn thất nghiệp cũng có. Các cô cũng phải làm mướn ở các chợ và cửa hàng của người Việt để phụ thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên do lấy được người mình yêu thương nên các cô đều cảm thấy rất hạnh phúc và ổn định.
Mai nói: “Điều sướng nhất ở đây là họ rất chiều phụ nữ. Chồng em bảo ở Úc đứng nhất là trẻ em và phụ nữ, nhì là chó mèo và cuối cùng là đàn ông…”.
(Theo Đài Phát thanh Australia, Chương trình tiếng Việt)