Cuộc sống của người Việt Kiều ở tại Canada thế nào?

1

Canada có thể phù hợp với bạn có thể không. Người càng học hỏi càng suy nghĩ nhiều thì tiền sẽ càng nhiều. Đồng ý là phải có chút may mắn, nhưng quốc gia này không phát triển dựa trên sự may rủi, bạn cũng đừng than thở mình nghèo vì xui.

Đọc nhiều bài viết tôi thấy mỗi người có một cái nhìn riêng về đất nước này, nhưng những ý kiến đó không đủ để có thể nói là đấy là Canada. Có người sống một thời gian và vô cùng thích quốc gia này, nó như thiên đường với họ. Với người khác ờ cả chục năm hơn không thể thích được cái quốc gia thuế thì cao, luật thì nhiều, thu nhập thì khó khăn như Canada. Và cũng có người vừa đặt chân đúng ba tháng lập tức quay về. Với tôi Canada là đất nước:

* Về thời tiết:

Mùa đông – là mùa tôi rất thích. Bạn có thể đi lên phía bắc trượt tuyết, có thể đi đánh khúc côn cầu, có thể đi trượt băng trên những hồ bị đóng băng. Đất nước này không dành cho người dân quen xứ nóng. Đi chơi mùa đông rất vui với điều kiện là quen với nhiệt độ -10 đến -20 độ C. Buồn khi có bão tuyết, ngập cả mét là chuyện thường, đi làm còn chán huống gì đi chơi nhưng không phải ngày nào cũng bão nên mùa đông vẫn vui.
Mùa xuân – quả là hơi buồn khi tết Việt Nam đến nhưng bên này tuyết rơi dày đặc. Mùa này vợ tôi chuyên đi mua sắm. Tôi thì thích ra công viên chơi. Ngắm cây mọc chồi.
Mùa hè – mùa này chơi nhiều nhất, cắm trại, câu cá, chèo thuyền, bơi lội, du lịch, barbecue… kể không hết. Nhưng tôi không thích hè lắm, nóng những 36 độ.
Mùa thu – mùa này đi ngắm rừng lá đỏ, lên các công viên quốc gia, khối thứ để làm.

* Về thu nhập:

Theo trình dộ, làm quét dọn: lương căn bản 10,5 USD/giờ, kỹ sư 50 đến cả trăm ngàn hơn, quản lý 70 ngàn trở lên, bác sĩ: tối đa chính phủ cho phép là 250 ngàn. Luật sư: tuỳ theo danh tiếng và khả năng nữa triệu một năm không phải không thể (luật sư của tôi).

* Về nhà cửa:

Toronto nhà nhỏ xíu, khu xô bồ như Jane & Finch giá rất rẻ. Cũng căn nhà nhỏ như vậy ở trung tâm, hai triệu chưa chắc mua được. Còn bảo Canada không nhà to thì chạy thử qua Bridal Path của Toronto, căn nhà to như giá bán. Muốn to mà rẻ thì qua thành phố Mississauga hoặc Brampton. Vancouver thì còn mắc hơn, căn nhà gần sập có giá 500-600 ngàn, chẳng qua đất mắc chứ không phải nhà.

* Về thuế má, tài chính:

Mọi người đều có nghĩa vụ đóng thuế, đóng thuế thu nhập theo cấp lũy tiến, y hệt tính giá điện của Việt Nam, 40 ngàn đầu tiên 15%, 40 ngàn kế 22%, kế nữa là 26% và 29%. Kế là thuế HST, như VAT của Việt Nam, 13% mỗi món. Và rồi thuế nhà đất, thuế chuyển nhượng, khá nhiều thuế và theo cục thuế vụ cộng toàn bộ các khoản thuế má dân Canada phải chịu là 48% trên thu nhập. Rất là cao, nhưng có khác biệt lớn của người làm công và làm chủ. Người làm công, đóng đủ thuế thu nhập xong còn lại trang trải đủ thứ. Nên còn chẳng bao nhiêu. Làm chủ thì trang trải đủ thứ và khai báo các khoản đó là chi phí và giảm thuế thu nhập.
Ví dụ: người thường sau khi đóng thuế thu nhập còn lại sẽ trả nợ nhà. Làm chủ tuy có tiền mua nhà nhưng cứ mượn ngân hàng, cuối năm tiền lãi ngân hàng khai vào tiền được giảm thuế. Cách làm thì khá phức tạp, nhưng nói chung là thuế phải đóng của người giàu rất ít, thậm chí được giảm trừ gần hết, tiền thay vì đóng vào thuế thì vào căn nhà hay tài sản của bạn. Kế toán và luật sư tôi làm sao không biết nhưng đấy là cách tôi đóng thuế, và tất cả đều đúng theo luật.

* Về y tế:

So với một số các quốc gia châu Âu thì còn lâu mới bằng. Nhưng so với người láng giềng Mỹ thì là tuyệt vời. Sinh con vào viện một xu cũng không tốn. Quan điểm của sở y tế là người bệnh cho dù là thị trưởng hay thứ dân đều hưởng chế độ như nhau. Nhưng giàu hay đi bệnh viện tư, giống khách sạn hơn là bệnh viện, dĩ nhiên phải trả tiền.

* Về giáo dục:

Có nhiều trường nổi tiếng và bằng cấp khá quan trọng. Theo thống kê của sở thuế, nói chung bằng cấp càng cao thu nhập càng cao.

* Về chính trị:

Tôi là người Việt, có bầu hay không lá phiếu không ảnh hưởng các đảng tranh cử nên không quan tâm.

Đây là đất nước phát triển về mọi mặt nên trình độ người dân không theo kịp sẽ thấy rất khó sống. Muốn có tiền và thoải mái phải học. Không chỉ học về bằng cấp, phải biết về thuế, về tài chính, ngân hàng về luật pháp, về thủ tục, về quy định. Biết càng nhiều về thuế và tài chính cơ hội đồng tiền ở với bạn rất cao. Toàn bộ ở trên là về quốc gia tôi sống, còn phần sau là về bản thân, nếu không muốn các bạn có thể dừng tại đây.

Về bản thân, tôi là người có thể nói là thế hệ thứ hai bên Canada. Tôi học đại học bên Việt Nam, vào công ty nước ngoài, lương cao. Rồi qua đây định cư, cái bằng đại học xem như giấy lộn, lúc đầu không kiếm ra việc nên đi làm bán thời gian, cầm cây lau nhà, dọn vệ sinh, lương 8,5 USD/giờ. Sau chuyển qua làm contractor, đi sửa nhà, được 12 đến 15 USD/giờ. Nếu ai ra làm chủ và may mắn nhiều khách thì kiếm được 50-60 ngàn/năm hoặc hơn. Nhưng số đó ít, phần lớn người Việt làm thầu xây dựng kiếm được 30 đến 50 ngàn và thế là hết, cứ ngày này qua tháng nọ đi làm công việc như vậy. Sư phụ tôi làm 23 năm như vậy mua được căn nhà 500 ngàn với chiếc Lexus RX 350, và suốt ngày xuống Niagara Falls đánh bài.

Làm ba năm, một ngày có một khách hàng người Tây nhìn và nói: “Anh làm rất tốt, nhưng sao anh vẫn không giàu?”. Tôi trả lời tôi cũng không biết, tôi thực sự không biết vì sao tôi qua đây, chịu cái lạnh thấu xương -30 độ đón xe buýt đi làm và rồi tôi vẫn phải cày vất vả mỗi ngày. Hắn nhìn tôi và bảo: “Work smarter not harder! Mỗi người chỉ có 24 tiếng, lương 15 USD/giờ cày hết 24 tiếng là 360 USD không thể hơn được. Dùng tay kiếm tiền là thế. Dùng đầu kiếm tiền thì nhiều hơn, và nhiều nhất là dùng tiền kiếm tiền!”.

Nghe xong nghỉ làm, lấy tiền để dành đi học. Vào cao đẳng, trình độ tiếng Anh thấp quá phải đóng thêm tiền học tiếng Anh. Cày cục học ra trường, đi làm lương khá hơn. Làm được 2 năm lại nghỉ, vào đại học. Học ba năm ra trường, lại đi làm. Làm có kinh nghiệm nên đi thi bằng điện cấp 1 của Ontario. Rồi cấp 2, khó nhất là cấp 3, Master Electrician. Xong rồi thì đi làm. Thấy rằng có một số thiết bị điện chỉ có bằng của mình mới mua được, và một số công việc phải xin phép của Toronto Hydro, không có bằng đừng hòng đụng được, thế là xin nghỉ mở công ty, dù người chủ năn nỉ ở lại và sẵng sàng tăng lương ngay. Ah, giờ thì biết ai cần ai! Nhưng vẫn nghỉ và tự làm.

Làm một thời gian, một ngày có một người gọi đến thay sợi dây điện chính dẫn vào nhà, điện lực không bao giờ đồng ý cắt điện cho thay nên người thay phải có bằng như tôi, tôi tính 2.000 USD, hắn tròn mắt nhìn. Nhưng không có lựa chọn, trèo lên cột điện phải có giấy phép của điện lực, chọn tôi hoặc người tương đương, sau vài ngày khảo giá, gọi tôi làm, làm trong ba tiếng tiền vật liệu 400 USD, tôi kiếm 1600 USD trong ba tiếng. Giờ thì biết thế nào là “work smarter not harder”. Ngồi nhớ lại thời 10 USD/giờ, một bước lớn với tôi.

Cuối năm thu nhập khá cao, sở thuế gởi cho một thông báo, số tiền thuế tôi phải đóng còn hơn cả lương một năm người thường. Thế là chạy đi gặp kế toán, giảm được một số và hắn bảo năm sau gặp hắn từ đầu sổ sách cứ giao cho hắn. Lo xong sở thuế, có tiền dư ra đành đem vào ngân hàng đem cho người tư vấn đầu tư. Và lại học ra nhiều thứ, tiền lời từ chứng khoán không tính như thu nhập bình thường. Lời 100 đồng thì chỉ có 50 đồng chịu thuế. Và thế là tôi bước vào giai đoạn dùng tiền kiếm tiền. Làm nhiều thế nào cũng xảy ra rắc rối thưa kiện, sau đó thì lại phải kiếm luật sư. Thế là mỗi lần làm đều phải có hợp đồng kỹ càng, và hợp đồng giao cho luật sư viết. Rồi học được bảo hiểm, tôi mua bảo hiểm cho công việc của tôi, cho khách hàng của tôi, có chuyện gì bảo hiểm sẽ chi trả, thế là tôi bảo vệ tài sản của tôi khỏi sự may rủi.

Tôi viết có nhiều người không tin, nhưng có năm không những tôi không đóng mà sở thuế phải trả lại tiền cho tôi. Đơn giản nhất là đem chiếc xe hơi ra khỏi Canada, sở thuế sẽ phải trả lại tiền thuế 13% trên giá trị còn lại của chiếc xe hơi.

Giờ tôi chơi qua tàu, phải nói món này tốn tiền, tiền bến bãi, tiền bảo dưỡng, dầu chạy máy nhưng Canada có những hồ nước ngọt cực lớn nên khá là thú vị khi đi bằng du thuyền.
Tóm lại, Canada có thể phù hợp với bạn có thể không. Người càng học hỏi càng suy nghĩ nhiều thì tiền sẽ càng nhiều. Đồng ý là phải có chút may mắn, nhưng quốc gia này không phát triển dựa trên sự may rủi, bạn cũng đừng than thở mình nghèo vì xui. Có người bảo tôi giàu, nhưng tôi bảo tôi quen biết nhiều người Việt còn giàu hơn tôi rất nhiều. Tôi thấy hạnh phúc chứ tôi không thấy tôi giàu. Bạn có thể sống cuộc sống chúng tôi gọi là “Canadians live paycheck to paycheck”. Đi làm lĩnh lương sống hết tháng là hết tiền, lại chờ lĩnh lương. Không cần nghĩ nhiều, con cái có chính phủ lo, về già chính phủ cũng lo, bệnh tật chính phủ lo và rất đơn giản là chính phủ sẽ thu tiền của bạn để lo còn bạn thì không có tiền. Hay bạn chọn cách sống là bạn chiếm phần lo nghĩ thì bạn sẽ có tiền.

Hãy suy nghĩ, hành động và chọn cho mình cách sống riêng như tôi làm. Tôi chơi đến nỗi vợ tôi than phiền rằng một năm tôi chơi hết nửa năm. Tôi làm đúng 6 tháng còn lại tôi có tiền từ đầu tư, tiền cho thuê nhà, tiền cổ phiếu… Tôi chỉ nói về ý kiến của tôi, còn nhìn nhận tốt xấu là do bản thân mỗi người. Chúc những ai đang hành động sẽ thành công, những ai đang suy nghĩ hãy hành động, và những ai chưa từng nghĩ hãy bắt đầu suy ngẫm.

Source: Vietriduhoc

Visited 11 times, 1 visit(s) today
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Optionally add an image (JPEG only)

1 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Thanh To
Thanh To
10 năm trước

bài viết trên rất hay ( cuộc sống của người Việt kiều ở Canada thế nào?).
Tôi có thể xin email của tác giả để liên lạc được kg?
Tks for reply
Thanh Tô

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x