Lấy chồng nhà giàu khổ hay sướng
Lấy chồng nhà giàu rất sướng. Đó là suy nghĩ không thể phủ nhận và là mục tiêu của rất nhiều cô gái trong hành trình lựa chọn ý trung nhân cho mình. Sống trong sự đầy đủ, giàu sang cũng là ước mong chính đáng của mỗi con người chứ không riêng gì phái đẹp.
Gia đình người yêu khá giả, một đám cưới rình rang ở một khách sạn sang trọng là niềm vui và hạnh phúc của T. mà đám bạn học phổ thông và đại học của cô không giấu vẻ trầm trồ và ghen tỵ. Chân ướt chân ráo về nhà chồng, T. đã được bố mẹ chồng mua tặng cho một chiếc xe ga xịn để đi làm.
Qua một tháng sau ngày cưới, chiều ý vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng, một căn hộ chung cư cao cấp với đầy đủ tiện nghi được bố mẹ chồng mua và sang tên luôn cho cả 2 vợ chồng làm T. mừng muốn phát điên. Hai vợ chồng đi làm, lương cũng vào loại khá, lại chẳng phải lo sắm sanh nhà cửa, đồ dùng trong gia đình nên tha hồ tiêu xài rủng rỉnh.
Sinh con trai đầu lòng bụ bẫm, kháu khỉnh, ông bà nội lại càng phấn khởi. Từ tiền sữa, bỉm cho bé, đến bồi dưỡng cho mẹ nuôi con và cả tiền thuê người giúp việc hàng tháng được bà nội “thanh toán” cho hết. Thỉnh thoảng lên thăm cháu, bà còn xách theo túi nọ, túi kia và xếp đầy vào tủ lạnh quả ngon vật lạ để con dâu bồi dưỡng cho cháu bà khỏe mạnh. Những dịp lễ tết, sinh nhật thì khỏi phải nói, nó luôn là cái cớ để ông bà “phong bao” cho thằng cháu đích tôn hay ăn chóng lớn, và cuối cùng chỉ có… mẹ nó là sướng nhất khi đếm tiền thôi.
Còn P. – một nàng dâu trong gia đình giàu có, quyền thế giữa đất Thủ đô thì lại kêu lên: “Lấy chồng nhà giàu khổ lắm chị ơi!”. Tôi cười bảo: khổ như cô thì nhiều người muốn khổ lắm đấy! Nhà cao cửa rộng sẵn ở, con cái được ông bà chăm sóc, chu cấp đến tận… răng. Tương lai lại được thừa hưởng 2 dinh cơ trên phố cổ, còn kêu ca nỗi gì”.
P. nhăn mặt nói: Nhà chồng em giàu nên quan cách lắm chị ạ, bắt ne bắt nép đủ thứ. Mỗi lần mua biếu ông, biếu bà cái gì cũng phải nghĩ nát óc mới dám mua, thậm chí mua rồi còn vẫn sợ… ông, bà chê. Lương vợ chồng em thì thấp, nhiều lúc cũng chẳng dám tiêu hoang nhưng đến thăm ông, thăm bà mà không mua biếu hoa quả “ngoại nhập” thì chỉ có nước bị vứt vào sọt rác. Lần 8/3, em thật lòng trích lương mua tặng bà cái áo trông cũng được, thế mà em chưa ra khỏi cửa, bà đã gọi chị giúp việc lên cho luôn làm em điếng cả người.
X. là hàng xóm cũ của nhà tôi. Vợ chồng cô đã chuyển nhà cách đây chưa lâu theo “lệnh” của bố mẹ và em trai chồng. Bất chợt, gặp X. ở ngoài đường hôm đi làm về, tôi ngạc nhiên, sửng sốt trước sự gầy rộc, xanh xao của X.
X. cười nhưng ánh mắt rất buồn. Cô tâm sự: “Vợ chồng em chẳng khác nào con rối để mọi người trong nhà giật dây chị ạ. Thà bố mẹ chồng chẳng cho gì để mà mình biết tự lập có khi còn tốt hơn. Em mang tiếng là có nhà ở nhưng có khác nào ở nhờ đâu.
Ở đâu, chuyển đâu phụ thuộc vào sự “ưa, ghét” nóng, lạnh thất thường của bố mẹ chồng vì tất cả giấy tờ đất đai nhà cửa đều là của ông bà, mang tên ông bà, ông bà có quyền định đoạt. Hàng tháng nay, chẳng đêm nào em ngủ được vì ông bà suốt ngày nhiếc móc cả nhà em là một lũ ăn bám, nuôi báo cô…” X. nói nửa chừng rồi nghẹn lại, rơm rớm nước mắt.
Gia đình chồng giàu có, được trợ giúp một nền tảng kinh tế vững chắc cũng là một thuận lợi, một niềm vui nhân đôi của các cặp vợ chồng khi mới bước vào ngưỡng cửa hôn nhân để tự tin, vững bước hơn trong công việc và gây dựng cuộc sống tương lai, hạnh phúc cho tổ ấm của mình. Nhưng cũng không nên quá dựa dẫm, phụ thuộc hoàn toàn vào cái “phao” không phải là duy nhất đó để có thể tự lập, tự chủ hơn trong cuộc sống. Lúc đó, sướng hay khổ chỉ là do sự cảm nhận của mỗi người mà thôi.
Theo Phụ Nữ Việt Nam